[ad_1]
Tại diễn đàn, Pique đã phân tích tình hình bóng đá ngày nay và cách giới trẻ Tây Ban Nha thụ hưởng nó. Hơn nữa, anh so sánh mô hình thể thao châu Âu và Mỹ và không dự đoán tương lai tốt đẹp cho Barcelona và Real Madrid. Dưới đây là nội dung cuộc nói chuyện giữa Pique và bên đặt câu hỏi.
– Hành trình của Kings League như thế nào?
Nếu quay trở lại ngày đầu tiên, rõ ràng chúng tôi đã nghĩ rằng mọi thứ sẽ diễn ra chậm hơn nhưng hoá ra đó là một hành trình thần tốc. Công ty tưởng chừng chỉ có khoảng 30 người, nhưng giờ nó là hơn 100 người. Quá trình này đầy căng thẳng nhưng chúng tôi biết mình đang ở đâu. Chúng tôi đã có thể lấp đầy Camp Nou, Metropolitan, La Rosaleda và Sant Jordi. Và chúng tôi có nhiều fan rất trung thành.
– Các quốc gia khác thì sao?
Chúng tôi tin rằng sự tương tác giữa các chủ tịch CLB là rất quan trọng. Họ lan truyền rất nhanh, và trên các nền tảng như TikTok, mức độ tương tác rất lớn. Chúng tôi đã ra mắt Kings League America ở Mexico. Giải đấu bắt đầu vào tháng 1 tới gồm 12 đội, trong đó có một số chủ tịch ở Peru, Chile, Venezuela, Dominica… Tiếp theo sẽ có các đại diện ở các quốc gia Mỹ La Tinh. Ý tưởng tiếp theo là giải đấu sẽ xuất hiện tại châu Âu, Đức vào năm 2024, ở Mỹ vào năm 2025 và sau đó là châu Á.
May mắn là dự án đã đẻ ra tiền. Các nhà tài trợ đã đồng hành cùng chúng tôi và tin tưởng vào sự phát triển của dự án. Thực tế, đây là sự đầu tư rất lớn, tạo ra những con số tích cực. Nhìn từ khía cạnh kinh doanh, mọi thứ hoàn toàn ổn. Kings League đã ra đời nhờ toàn thể đội bóng và chúng tôi có một đội ngũ chuyên nghiệp. Hôm nọ, tôi có cơ hội chúc mừng họ. Chỉ có một người duy nhất. Đó là buổi dạ tiệc trao Vương miện vàng Kings League, giống như Quả bóng vàng vậy. Tôi tin tưởng 100% vào đội ngũ hiện tại. Tôi cho rằng dự án sẽ có cơ sở phát triển mạnh mẽ nhờ đội ngũ này.
– Anh có chấp nhận rủi ro không?
Tôi chưa bao giờ hối hận dù biết rằng trong mạo hiểm vẫn có sai số. Tôi phải tìm niềm vui khi mắc sai lầm, không để thất bại làm chìm đắm ý chí, ngược lại coi sai lầm là động lực để phát triển tốt hơn. Đó là cuộc sống của tôi và Kings League là sự phản ánh điều này.
– Điều gì khiến anh quyết định tạo ra cuộc chơi này?
Có nhiều yếu tố, một trong số đó là việc có sự tham gia của các streamer, những người có ảnh hưởng như thể ngôi sao nhạc rock của thập niên 1980. Người hâm mộ cảm thấy thân thuộc như thể đã biết những người nổi tiếng từ lâu rồi mặc dù có thể các streamer không biết họ. Mặt khác, thực tế là có thể định hình một sản phẩm như bóng đá và thay đổi nó ở mức độ chuẩn mực. Bóng đá cần phải hiện đại hóa để mọi mọi người thụ hưởng nó. Nhưng điều này rất phức tạp bởi bóng đá được quản lý bở các LĐBĐ, UEFA, FIFA…
Những nét hiện đại mà chúng tôi đưa ra rất khó lọt mắt những tổ chức trên, ví dụ như đổ xúc xắc để loại một số cầu thủ ngẫu nhiên, hay 1 bàn thắng đến nhờ một lá bài bí ẩn. Nghe rất ngầu nhưng đám kia sẽ rất khó chịu với những “chiêu trò” mà chúng tôi tung ra. Họ quá già để hiểu.
– Mô hình thanh toán như thế nào?
Đừng nghĩ về nó trong ngắn hạn và trung hạn. Về lâu dài, chúng tôi không bao giờ biết được điều này sẽ thế nào nhưng mục tiêu của chúng tôi là tiếp cận càng nhiều người càng tốt và nếu đặt ra vấn đề thanh toán thì đó là không thể. Mô hình bóng đá đã đạt đến giới hạn. Mọi người mệt mỏi vì phải trả quá nhiều tiền cho bóng đá. Tôi nghĩ mô hình tương lai sẽ đi theo hướng khác.
– Hướng bóng đá thi đấu với Netflix chăng?
Rõ ràng, tôi nghĩ ai đó ở Dortmund đã nói: Đối thủ của chúng tôi không phải Real Madrid mà là Netflix. Cuối cùng, đó là giải trí. Bóng đá phải hướng tới giải trí nhiều hơn. Mọi người muốn có những giờ giải trí. Bóng đá cạnh tranh với Netflix và cả các mạng xã hội. Mọi người dành hàng giờ đồng hồ để sử dụng các loại nền tảng này. Rõ ràng là bóng đá đang cạnh tranh ở môi trường này.
– Thể thức của Kings League có gì hấp dẫn?
Ngắn và hay. Thể thao đang hướng tới những giải đấu ngắn hơn và độc đáo hơn. Ví dụ rõ ràng là NLF có 4 tháng thi đấu nhưng lại lập kỷ lục về lượng khán giả. Tôi nghĩ bóng đá nên hướng tới đó, không cần quá 80 trận/năm. Hãy xem cảm xúc của chúng ta là gì khi chứng kiến những trận đấu kéo dài 90 phút với tỉ số 0-0. Bóng đá hiện nay đang đánh mất sự hấp dẫn chính vì điều này. Có quá nhiều trận đấu và mọi người thậm chí không biết đang xem cái gì. Và những ông chủ tịch CLB đã nghĩ đến một giải đấu tinh hoa với 20, 16 hoặc thậm chí 14 đội.
– Anh đang nói về Super League?
Đúng, nhưng khác, bởi vì Super League là một giải đấu khép kín và tôi phản đối nó. Một Super League gồm 14, 16 hoặc 30 đội và hoàn toàn không có chỗ cho Aston Villa, West Ham, Betis, Sevilla, Roma… Những đội bóng tinh hoa sẽ thu được rất nhiều giá trị, nhưng nó sẽ phá hủy một phần quan trọng của bóng đá. Nếu chúng ta giảm lịch thi đấu, các đội sẽ tiếp tục được thi đấu và tương lai của đội bóng phụ thuộc vào kết quả mà họ đạt được. Thành tích thể thao phải chiếm ưu thế và đó là lý do tại sao tôi phản đối Super League nhưng tôi nghĩ chúng ta phải thay đổi lịch thi đấu.
– Anh có thấy rằng sẽ xuất hiện những thay đổi mạnh mẽ?
Tôi nghĩ chúng ta sẽ thấy những thay đổi, tôi không biết chúng sẽ mạnh mẽ đến mức nào. Điều tôi thấy rõ ràng là những gì Barca và Madrid đang cố gắng làm với ý tưởng Super League. Có thể họ sẽ không thành công với nó nhưng họ vẫn đang nỗ lực để triển khai Super League. Mấu chốt vấn đề nằm ở việc phân phối tiền bản quyền truyền hình.
Có 2000 triệu euro được phân phối cho các CLB, bao gồm những đội bóng vĩ đại, có số lượng NHM đông đảo và những CLB nhỏ bé chỉ lèo tèo vài fan. Ví dụ, nếu đội bóng tí hon Andorra được lên La Liga, họ sẽ nhận 50 triệu euro tiền BQTH trong khi Barca và Madrid nhận 150 triệu euro trong khi họ có lượng NHM nhiều gấp trăm nghìn lần.
Điều đó là bất công trong mắt những CLB lớn, những người cho rằng mình đang nuôi béo các đội bóng nhỏ nhờ sự hấp dẫn của mình. Không chỉ Barca và Real nghĩ như vậy, mọi CLB vĩ đại ở châu Âu đều có tư tưởng đó và muốn làm một thứ gì đó kiểu Super League.
Ở La Liga, đa số đều hài lòng, ngoại trừ hai ông lớn có suy nghĩ khác. Tôi hiểu rằng không thể có sự khác biệt quá lớn giữa CLB lớn và CLB nhỏ, bởi vì nếu không, những CLB lớn khác sẽ chẳng thể cạnh tranh. Song họ phải nghĩ ra cách bẻ bánh cho phù hợp. Nếu Andorra thi đấu ở một La Liga chẳng còn Barca hay Real thì họ cũng chẳng kiếm chác được gì.
– Anh thấy thể thao Mỹ như thế nào?
+ Tôi thích kiểu làm thể thao của người Mỹ và nó hấp dẫn hơn so với châu Âu. Nếu nhìn cấp độ kinh tế, chúng ta sẽ nhận ra rằng nó được cấu trúc tốt hơn cho việc nhượng quyền thương mại. Ở đây, tiền được chia đều cho 30 thương hiệu nhượng quyền, họ sẽ cơ cấu nó theo cách mà các nhượng quyền thương mại được bảo vệ. Và nếu họ thấy rằng doanh nghiệp không được cơ cấu tốt, họ sẽ đình công và kiếm được nhiều lợi nhuận hơn một chút. Barca và Madrid về lâu dài sẽ không thể cạnh tranh được với thể thao Mỹ.
– Chuyện gì xảy ra ở châu Âu?
Mỗi giải đấu được quy định khác nhau. La Liga có bộ luật của riêng mình và các giải đấu khác cũng thế. Do đó, cái cách mà chúng tôi đang làm ở giải đấu của mình ưu việt hơn nhiều, đem đến sự cạnh tranh sòng phẳng và công bằng. Yếu tố Fair Play hoàn toàn không có ở châu Âu. Chúng tôi đang đi trên con đường mà trong 5 năm nữa, Barca và Madrid không thể cạnh tranh ở châu Âu. Con đường đó ảnh hưởng lớn từ cách làm thể thao của người Mỹ và thể thức hoạt động của Kings League không đi theo các quy tắc của châu Âu.
Nếu tất cả các CLB không bị quản lý bởi cùng một quy tắc như Kings League thì sao? Đó là lúc chúng ta đập nát trật tự cũ, sự cân bằng cũ. Barca và Real Madrid lại chống lại điều đó? Bởi vì họ đang mắc nợ. Họ sẽ buộc phải trở thành Công ty TNHH đại chúng, trừ khi có Super League hoặc có một thứ luật công bằng tài chính thật sự nghiêm túc.
Bối cảnh của bóng đá châu Âu đã tồn tại nhiều năm và nên rất khó để thay đổi. Tất cả các giải đấu của UEFA, FIFA sẽ rất khó thay đổi. Đấy chính là điểm chết của họ trước những thứ bóng đá hấp dẫn giới trẻ của chúng tôi.
– Giới trẻ hiện tại nhìn bóng đá như thế nào?
Ở Tây Ban Nha, cách các đội bóng đang cạnh tranh và cách giới trẻ thụ hưởng bóng đá hoàn toàn khác nhau. Giới trẻ đang xem 2-3 màn hình cùng lúc hoặc xem trên mạng xã hội. Giới trẻ ngày nay cần có tất cả những thông tin này để buôn chuyện trong nhóm chat. Do đó, họ truy cập mạng xã hội để lấy thông tin liên tục, chứ không chịu ngồi lì xem bóng đá suốt 90 phút. Ngay cả tôi cũng thế, thói quen ngồi xem cả trận đã thay đổi, một trận đấu có thể cần xem 5 phút là đủ. Điều này không có nghĩa là bóng đá mất đi sức hấp dẫn, vấn đề là họ tiêu thụ nó theo một cách rất khác.