[ad_1]
Cán cân đảo chiều
Trước kỳ nghỉ nhường chỗ cho loạt trận quốc tế của các ĐTQG, Arsenal nhìn thấy đường tới Champions League gần hơn bao giờ hết. Khi ấy, họ có 54 điểm, đứng thứ 4, hơn MU 4 điểm, hơn West Ham cùng Tottenham 6 điểm và còn tới 3 trận chưa đá trong tay.
Nhưng khi bóng đá châu Âu trở lại nhịp sống sôi động mỗi cuối tuần, tất cả sớm đổi thay. Tottenham thắng 3 trận liên tiếp, từ 48 điểm lên 57 điểm. Trong 3 trận, thầy trò Conte ghi tới 12 bàn, chỉ lọt lưới 2 quả và nâng hiệu số từ + 9 lên + 19.
Cùng kỳ giai đoạn, Arsenal thua liền 2 trận trước Crystal Palace và Brighton – những đội bóng không còn mục tiêu phấn đấu cụ thể vì đã chắc suất trụ hạng nhưng khó lòng cạnh tranh vé dự Cúp châu Âu. Pháo thủ nhận 5 bàn thua và chỉ 1 lần tìm được mảnh lưới đối phương. Điểm số 54 giữ nguyên, hiệu số bàn thắng-bại từ +13 giảm xuống còn +9. Lợi thế duy nhất của Arsenal là còn 1 trận chưa đá trong tay, nhưng ngay cả khi thắng trận đá bù này, Arsenal vẫn sẽ chỉ bằng điểm Tottenham và kém xa chỉ số phụ có ý nghĩa quyết định tới thứ hạng trong trường hợp hai đội bằng điểm nhau.
Mặt khác, nếu không tính trường hợp của MU – đội bóng cũng đang trải qua những ngày tháng khủng hoảng, Arsenal còn bị West Ham bám sát. Nếu Arsenal không thể thắng trận đá bù, họ vẫn sẽ chỉ hơn West Ham số điểm của một trận thắng, trong khi hiệu số bàn thắng-bại của đội bóng cùng thành phố là +11.
Từ kịch bản có thể sớm khép lại cuộc đua giành vé Champions League khoảng 3 vòng đấu trước ngày hạ màn, Arsenal bây giờ lại sắm vai kẻ bám đuổi. Brighton không thắng trong 7 trận trước đó ở Premier League (bao gồm 6 trận thua) và thua một đội bóng như thế tại khúc cua định mệnh, Mikel Arteta chỉ còn biết tự trách mình.
Căn bệnh cố hữu
Bằng một cách nào đó, từ triều đại này tới triều đại khác, Arsenal luôn “ngã ngựa” ở những thời điểm quan trọng và nhạy cảm nhất trong mùa giải. Với Arsene Wenger, họ từng là nhà vô địch lượt đi để rồi từng bước trượt dài khi tháng 4 ập tới. Đó là câu chuyện đã xảy ra ở những mùa giải như 2010/11 hay 2012/13.
Nói chuyện vô địch nghe xa vời nhưng những gì Pháo thủ đang trải qua khiến người ta liên tưởng ngay tới mùa 2018/19, năm đầu tiên Unai Emery về cầm quyền thay Wenger. Cũng tầm này 4 năm trước, Arsenal bước vào vết xe đổ quen thuộc. Trước vòng 33, họ đứng thứ 4, hơn đội gần nhất phía sau 3 điểm. Đó chính là năm Arsenal đã chơi 2/3 mùa giải đầy cảm xúc với thứ bóng đá tiệm cận sự hoàn hảo. Emery lập vô số kỷ lục, như chuỗi 11 trận thắng liên tiếp hay chuỗi 22 trận bất bại trên mọi đấu trường.
Nhưng trong 5 vòng cuối cùng của mùa giải, Arsenal chỉ có 4 điểm, dù chỉ phải đối đầu một đối thủ duy nhất thuộc nhóm Big Six. Từ chỗ lấy vé chính ngạch đi Champions League, họ phải trông chờ vào con đường Europa League nhưng chung kết năm ấy, Arsenal lại đụng phải một Chelsea vượt trội về mọi mặt. Vậy là mùa bóng ấy xôi hỏng bỏng không.
Vấn đề ở chỗ nếu mùa 2018/19, Emery có lý do để bào chữa cho sự sa sút cuối mùa rằng Arsenal đứng trước cơ hội lớn giành Cúp Europa, một sân chơi ưa thích của Emery và cần san sẻ lực lượng. Nhưng Arteta thì khác. Premier League là giải đấu duy nhất còn sót lại trong hệ thống thi đấu mùa này của Pháo thủ, và nếu Arsenal không thể lọt vào Top 4, chiếc ghế của Arteta từ vững chắc sẽ nhanh chóng lung lay dữ dội.
Lịch thi đấu không ủng hộ Arsenal
Trong tháng 4, Tottenham chỉ phải gặp Brentford, Brighton và Leicester. Trong khi đó, Arsenal sẽ đương đầu với Chelsea và MU. Chưa biết chừng, cuộc đua sẽ sớm an bài trước khi Arsenal và Tottenham gặp nhau vào ngày 12/5, tức thời điểm mùa giải chỉ còn 2 vòng đấu.
2 – Kể từ tháng 8/2013, đây mới là lần thứ hai Arsenal để thua một trận đấu ở Premier League diễn ra vào 15h00 thứ Bảy (giờ địa phương). Trùng hợp thay, đội bóng khiến Arsenal phải nhận hai thất bại này đều là… Brighton.