[ad_1]
“Bộ máy” tinh giản của Deschamps
Cách đây không lâu, Deschamps dành ra một ngày để tham quan và tìm hiểu hệ thống vận hành của… đội tuyển bóng bầu dục Pháp. “Didi” đã khám phá ra rất nhiều thứ, khác xa với thói quen của ông ở Clairefontaine. “Quả thật Fabien (Galthie, HLV trưởng ĐT bóng bầu dục Pháp) có một ê-kíp rất hoành tráng. Khi đến đây, tôi cảm thấy rất khác biệt. Hôm đó có một buổi tập, nhưng các trợ lý của anh ấy chỉ đạo, còn bản tân Fabien thì dán mắt vào cái iPad của mình để mổ xẻ các thông số. (Cười). Tôi chưa bao giờ làm thế. Nhưng có lẽ đó là đặc trưng của môn thể thao này”, nhà cầm quân 55 tuổi nhấn mạnh.
Điều này hoàn toàn khác biệt với phong cách làm việc của Deschamps. Vị HLV trưởng ĐT Pháp không cần đội ngũ đông đảo, không chuyên môn hóa, không sử dụng dữ liệu. Deschamps trung thành với phong cách cổ điển với chỉ 1 trợ lý, 1 HLV thủ môn, 1 HLV thể lực.
Quyền lực được tập trung vào Deschamps, trong khi các trợ lý gánh vác phần việc cơ bản. Nhìn bề ngoài, Pháp đang tụt lại so với các đội tuyển khác vì không có chuyên gia dinh dưỡng, không có chuyên gia tâm lý. Nhưng thực tế là nhóm của Deschamps đang vận hành vô cùng hiệu quả, tinh gọn nhưng rất được việc.
Sau 11 năm rưỡi dẫn dắt Les Bleus, trong tay Deschamps vẫn áp dụng cách làm việc y hệt như khi ông còn huấn luyện Marseille. Ông chỉ có một trợ lý chung Guy Stephan, một HLV thủ môn Franck Raviot và một chuyên gia thể lực Cyril Moine.
Nếu mở rộng phạm vi hơn, thì nhóm của Deschamps cũng chỉ có tổng cộng 11 người, bao gồm thêm cả 1 bác sỹ, 4 nhà vật lý trị liệu, và hai chuyên gia phân tích video. Tức là, cả bản thân Deschamps, ê-kíp làm việc, quản lý Les Bleus hàng ngày chỉ có 11 người.
Đây là một con số dưới mức tiêu chuẩn của một đội bóng lớn châu Âu. Để so sánh với các đồng nghiệp khác, HLV Gareth Southgate của ĐT Anh có 3 trợ lý; Luciano Spalletti (ĐT Italia) hay Julian Nagelsmann (Đức) đều có một ban huấn luyện từ 15-20 thành viên.
Thậm chí không cần so sánh đâu xa, chỉ cần xem mô hình tại ĐT nữ Pháp của Herve Renard đã thấy có sự khác biệt rất lớn. Ông Renard có 3 trợ lý đặc biệt, 1 HLV thủ môn, 2 HLV thể chất.
Đội nhóm này có còn phù hợp?
Vậy phương pháp của Deschamps đã “cổ lỗ sĩ” hay vẫn phù hợp với nhu cầu của bóng đá đỉnh cao? “Không phải chỉ có một cách duy nhất để thành công. Tôi luôn chọn chất lượng hơn là số lượng. Trong mắt tôi, chất lượng đồng nghĩa với hiệu quả. Và mọi thứ có thể bị nhiễu khi có quá nhiều tham gia.
Tôi nhớ rằng sau kỳ EURO 2020, ê-kíp huấn luyện của ĐT Italia lớn hơn chúng tôi rất nhiều, đã được coi là hình mẫu để bắt chước. Ba tháng sau khi vô địch EURO, Italia với đội nhóm tương tự, đã bị loại khỏi World Cup…”, Deschamps chia sẻ về lý do BHL của ĐT Pháp cực kỳ tinh giản.
Mọi thứ ở ĐT Pháp, Deschamps luôn là người đưa ra quyết định cuối cùng, sau khi đã cân nhắc, bàn bạc và tham khảo ý kiến của cả ê-kíp. Điều này vô cùng quan trọng với chiến lược gia 55 tuổi.
“Đây là một điểm thiết yếu đối với tôi: sự đoàn kết, sự gắn kết mà chúng tôi gửi tới những cầu thủ mà tôi mong đợi. Đó phải là một ĐT Pháp trên dưới một lòng, đoàn kết cao nhất. Hàng ngày, tôi muốn các cầu thủ thấy được sự đoàn kết này trong đội ngũ ban huấn luyện. Nó chắc chắn được nhìn thấy rõ hơn ở một nhóm 20 người so với nhóm 40 người”, Deschamps giải thích thêm.
Về mặt chuyên môn, mọi cuộc tranh luận hầu như chỉ diễn ra với người trợ lý trung thành, cánh tay phải đắc lực của Deschamps, Stephan. Đối với những phần còn lại, từ tên cầu thủ tham dự cuộc họp báo cho đến lịch trình của từng cầu thủ vào buổi tối, Deschamps là người xác nhận tất cả. Ngoài sự tập trung vào việc ra quyết định, đội nhóm hiện tại của Les Bleus đặt ra câu hỏi về sự thiếu chuyên môn hóa.
Các đội tuyển lớn châu Âu luôn nhận thức được xu thế chung thể thao trình độ cao, nên kiện toàn ban huấn luyện của họ trong các lĩnh vực khác nhau. Để hỗ trợ về mặt tinh thần, ĐT Đức và Tây Ban Nha có sự xuất hiện của chuyên gia tâm lý. Liên quan đến chế độ ăn uống, Italia hay Bỉ đã bổ nhiệm một chuyên gia dinh dưỡng. Bỉ và Anh còn có các chuyên gia phụ trách việc chuẩn bị trước mỗi trận đấu. Hay cụ thể hơn, Đức có chuyên gia phụ trách sút phạt…
Liên quan đến những vấn đề này, Pháp bị chê là đang tụt lại phía sau rất xa. Nhưng Deschamps không quan tâm lắm đến chuyện của thiên hạ. Ông nhấn mạnh:
“Chúng tôi không bỏ bê bất kỳ lĩnh vực nào. Liệu Pháp sẽ thi đấu hiệu quả hơn nếu có một chuyên gia về phòng thủ hoặc tấn công, những người thỉnh thoảng mới tham dự được một buổi tập luyện? Trong mỗi đợt tập trung mà chúng ta chơi hai trận trong tám đến mười ngày, thì quá trình phục hồi và chuẩn bị tập thể của cả đội đã chiếm hết thời gian rồi, làm gì còn lúc nào cho công việc cá nhân.
Tuy nhiên, chúng tôi không sử dụng chuyên gia để đáp ứng xu thế chung. Một chuyên gia tâm lý? Tôi hiểu rằng một số cầu thủ có thể cần đến chuyên gia tâm lý. Nhưng tôi coi công việc của mình là chuẩn bị tinh thần cho các cầu thủ”.
Deschamps bảo lưu quan điểm tương tự đối với các chuyên gia xử lý dữ liệu. Mặc dù dựa vào công việc của hai nhà phân tích, nhưng ông luôn tránh xa việc sử dụng chúng. “Đó là yếu tố cho phép chúng tôi xác nhận hoặc cân nhắc một phân tích, có thể đóng vai trò như một cảnh báo, nhưng nó không phải là yếu tố quyết định trong lựa chọn của chúng tôi. Dữ liệu không thay thế được con mắt, cảm xúc, niềm tin của tôi”, Deschamps kết luận.
Rõ ràng đội nhóm làm việc của Deschamps luôn giúp các cầu thủ duy trì được trạng thái tinh thần tốt, thể lực sung mãn, phát huy tối đa tố chất. Và đến hiện tại ĐT Pháp đã thu về kết quả rất tuyệt vời.
Deschamps học hỏi từ Aime Jacquet
Deschamps nhiễm hệ tư tưởng của Aime Jacquet, người thầy mà ông tôn kính và học tập nhiều nhất. Đó là logic tập trung quyền lực. Trước kia HLV huyền thoại của ĐT Pháp cũng chỉ sử dụng một trợ lý. Chứng kiến những bất đồng quan điểm và cuộc nổi dậy bên đồi Knysna nổi tiếng tại World Cup 2010 trên đất Nam Phi, Deschamps thiết lập ban huấn luyện của ĐT Pháp tinh giản nhất về số lượng.