[ad_1]
Li Tie, cựu tiền vệ sinh năm 1977 là một trong những cầu thủ Trung Quốc hiếm hoi từng thi đấu ở Premier League, khi khoác áo Everton. Cũng chính Li Tie từng có mặt trong đội hình của ĐT Trung Quốc tham dự World Cup 2002 đồng tổ chức ở Hàn Quốc và Nhật Bản. Vào thời kỳ đỉnh cao phong độ, Li Tie từng được ví von là “Trung Quốc túc cầu tiên sinh” (Quý Ngài bóng đá Trung Quốc).
Trớ trêu ở chỗ, Li Tie, người từng có thời gian làm HLV trưởng của ĐT Trung Quốc từ năm 2019 đến 2021 đã phơi mặt trên sóng truyền hình theo cách chẳng ai mong muốn. Trong bộ phim tài liệu về chống tham nhũng phát sóng trên đài truyền hình Trung Quốc (CCTV), Li Tie đã thừa nhận hành vi hối lộ để có thể ngồi vào chiếc ghế HLV tại ĐTQG nước này, cũng như dàn xếp tỷ số ở các CLB từng dẫn dắt. Cần biết thêm Li Tie trước đó đã bị bắt giữ trong năm 2022 để điều tra vì những hành vi này. “Tôi rất xin lỗi và cảm thấy hối tiếc. Lẽ ra tôi phải giữ tỉnh táo và chọn con đường đúng đắn cho mình. Tuy nhiên, có một số thứ lại được coi là hiển nhiên, thông lệ trong bóng đá vào thời điểm đó”, Li Tie nói trong bộ phim tài liệu của CCTV.
Vào mùa giải 2015, Hebei China Fortune bất lợi trong cuộc đua giành suất thăng hạng lên Chinese Super League (giải VĐQG Trung Quốc). Li Tie lúc đó dẫn dắt Guangzhou Evergrande đã nhận lời tới Hebei China Fortune. Đáng nói, Li Tie đã tham gia vào đường dây hối lộ, dàn xếp tỷ số. Trong 9 trận cuối của mùa giải, Hebei China Fortune giành 8 chiến thắng đến khó tin, qua đó lấy suất lên hạng khi hơn đội xếp sau là Dalian Aerbin 2 điểm. Chỉ riêng trận đấu cuối với Shenzhen FC, Hebei China Fortune chi gần 2 triệu USD để mua chuộc đối thủ, trong đó Li Tie đưa hơn 800.000 USD cho cầu thủ Shenzhen FC. Chiêu thức hối lộ tiếp tục được Li Tie áp dụng tương tự để đưa Wuhan Zall thăng hạng Chinese Super League trong năm 2018.
Với việc Wuhan Zall hậu thuẫn về tài chính, Li Tie đã thành công khi đút lót hàng trăm nghìn USD để có thể ngồi vào chiếc ghế HLV tại ĐTQG Trung Quốc. Cụ thể, Chen Xuyan, cựu chủ tịch LĐBĐ Trung Quốc (CFA) được hối lộ gần 280.000 USD, còn Liu Yi, cựu Tổng thư ký CFA bỏ túi 140.000 USD từ màn hối lộ của Li Tie. Sau khi ngồi vào ghế nóng, Li Tie đã lại quả cho Wuhan Zall với việc gọi 4 cầu thủ của đội bóng này lên ĐTQG. Trên thực tế, không chỉ đút lót nhanh như chảo chớp, Li Tie còn có tiếng là giỏi “làm tiền” từ cầu thủ khi hét giá 400.000 USD/người cho bất kỳ cầu thủ nào muốn được gọi lên ĐTQG. Với những lời thú nhận trên đài truyền hình Trung Quốc (CCTV), cựu HLV của ĐT Trung Quốc, Li Tie đối mặt hàng loạt tội danh như hối lộ, dàn xếp móc ngoặc tỷ số, lạm dụng quyền hạn… đồng thời có thể bị kết án 10 năm tù hoặc chung thân.
Chỉ trong vòng hơn một thập kỷ, bóng đá Trung Quốc liên tục vướng vào bê bối bởi nạn tham nhũng và dàn xếp tỷ số. Năm 2010, một loạt quan chức đã phải vào tù do dính líu tham nhũng cũng như dàn xếp tỷ số. Đơn cử như Yang Yimin, cựu phó chủ tịch CFA, cùng với Zhang Jianqiang, người đứng đầu hội đồng trọng tài, lần lượt bị tuyên mức án 10 năm 6 tháng tù và 12 năm tù. Kể từ tháng 12/2020, một số cựu quan chức CFA bị bắt trong một cuộc điều tra khác vì tình nghi phạm pháp và hối lộ. Không chỉ dừng lại ở đó, hai CLB đã phá sản là Tianjin Jinmen Tiger và Jiangsu Suning bị phát hiện dàn xếp tỷ số trong năm 2021.
Một chi tiết nữa đáng nhắc tới đó là Chinese Super League còn chao đảo khi một số CLB lớn phá sản, bởi chủ sở hữu là các công ty bất động sản lâm vào nợ nần bết bát. Rõ ràng, bóng đá Trung Quốc còn tiềm ẩn nhiều vấn đề sau những gì xảy đến gây choáng váng cho NHM.