[ad_1]
“Manchester United: Làm thế nào họ rơi vào đống hỗn độn này?”. Đây là câu tweet cách đây 10 năm của Omar Berrada, người vừa bất ngờ rời Man City để gia nhập MU. Người hâm mộ cả 2 đội bóng thành Manchester đang cùng nhau “đào” lại bài đăng này với nhiều mục đích, nhưng rõ ràng là đẩy Berrada vào tình thế khó xử.
Nhưng việc Berrada không xóa bài đăng này cho thấy nhiều điều. Thứ nhất, cách đây một thập kỷ, việc MU chỉ sau 1 năm chia tay Sir Alex Ferguson đã lao dốc là điều không ai tưởng tượng nổi, ngay cả với những đối thủ như Man City – phía mà Berrada đầu quân. Thứ hai, sau chừng đấy năm, bài đăng vẫn nguyên giá trị. Nếu nó được Berrada viết ra vào thời điểm này, chắc chắn nó vẫn sẽ được chia sẻ rất nhiều.
Thứ ba, chẳng việc gì Berrada phải chối bỏ việc mình từng làm, bởi ông nhận định không sai, và đang cố gắng chứng minh sự xuất hiện của mình ở Old Trafford là để giải quyết mớ hỗn độn này. Trước Berrada, đã có rất nhiều nhân vật tên tuổi ngồi vào vai trò này nhưng đều thất bại. MU chưa bao giờ trở lại vị thế như thời Sir Alex và cũng không có nhiều dấu hiệu ngày đó sắp đến.
Chiêu mộ Berrada là một đòn hiểm của MU dành cho City và có thể là viên gạch đầu tiên mà Sir Jim Ratcliffe dùng để làm nền cho cuộc đại tu quy mô lớn. Berrada rất giỏi nhưng chắc chắn không đủ, ông cần một hệ thống hỗ trợ. Nhiệm vụ của Ratcliffe chính là tạo ra hệ thống đó.
Mô hình của Man City là thứ đáng để MU học hỏi. Ở thời kỳ thịnh trị, với việc Sir Alex nắm gần như mọi đầu việc quan trọng của CLB, Quỷ đỏ phát triển vượt bậc dựa nhiều vào phẩm chất cá nhân. Nhưng vào lúc này, thời thế đã khác rất nhiều. Man City không chỉ quy tập những người giỏi nhất trong từng lĩnh vực, họ còn có một hệ thống hoàn hảo để tối ưu hóa năng lực của từng người. Đó là thành quả của một quá trình “thai nghén” kéo dài và liên tục vận động kể cả khi đã đạt tới thành công.
Man City bây giờ đã bước vào giai đoạn vận hành công nghiệp khi các mắt xích đều đã vận hành trơn tru. Trong khi đó, MU dường như vẫn đang ở vạch xuất phát, cố gắng chọn ra một con đường đúng để đi. Trong 10 năm qua, họ đã đi khá nhiều đường nhưng chỉ được một đoạn là lại thấy không ổn và quay trở lại điểm bắt đầu. Thế nên trong khi các đối thủ tiến về phía trước, MU cứ tụt lại phía sau dù vẫn liên tục đầu tư tiền không kém ai.
Nói một cách dễ hiểu hơn, MU không chỉ cần 1 Berrada mà rất nhiều Berrada, sau đó buộc họ ngồi lại với nhau và chế ra công thức phát triển ổn định. Việc này rất khó, rất tốn tiền và cũng đầy rủi ro. MU từng thất bại nhiều lần và chẳng có gì dám chắc lần này là ngoại lệ. Nhưng chí ít là MU phải làm một thứ gì khác thì mới mong sẽ thu về một kết quả khác. Mớ hỗn độn hiện tại đã được Berrada nhìn ra từ 10 năm trước, giờ thì ông và các cộng sự cần chứng minh mình làm cũng giỏi như nói.