[ad_1]
Trong khi các số áo khác trở thành biểu tượng vì sự liên kết của chúng với một vị trí nhất định thì số 7 lại trở thành biểu tượng vì sự liên kết của nó với một số cầu thủ nhất định. Cầu thủ chạy cánh phải không phải là vị trí quyến rũ nhất, thậm chí nó không quyến rũ như cầu thủ chạy cánh trái. Nhưng áo đấu số 7 đã trở thành số áo được tôn sùng thứ ba trong bóng đá thế giới, sau số 9 và số 10.
Số 7, tất nhiên, là số áo của người phát động tấn công. Vì việc đánh số áo xuất hiện ở thời kỳ thịnh hành của hệ thống chiến thuật 2-3-5, những vị trí tấn công sẽ được gán số mô tả lần lượt là 7-8-9-10-11. Và số 7, dù ở sơ đồ thiên thủ hay thiên công luôn luôn được đặt cho vị trí tiền vệ cánh phải.
Tại hai CLB nói riêng là Man United và Real Madrid, chiếc áo số 7 đã trở nên đặc biệt nổi tiếng. Rõ ràng nhất là ở Man United, nơi dòng dõi của chiếc áo số 7 nổi tiếng được khởi đầu từ huyền thoại George Best.
Đây là một phần không thể tách rời của một huyền thoại. Best thi đấu ở thời kỳ bóng đá thường sử dụng một số đội hình vĩnh viễn, và không có chuyện một cầu thủ mặc nhiều số trong cùng một mùa, đặc biệt khi họ đủ linh hoạt để chơi ở các vai trò khác nhau.
Áo số 7 của Best nổi tiếng nhất trong chiến tích giành Cúp C1 châu Âu 1968 trước Benfica, nhưng ông thực sự không mặc nó thường xuyên – chỉ trong 30% các trận đấu của Man United. 52% thời gian thi đấu tại Man United, Best mặc chiếc áo đấu số 11, vốn của cầu thủ chạy cánh khác và trong 18% số trận ông mặc áo số 8, số 9 hoặc số 10.
Ý tưởng rằng Best khởi đầu cho sự vĩ đại của áo đấu số 7 của Man United là rõ ràng, nhưng bản thân Best lại không quan tâm. Ngay cả trong những ngày cuối cùng ở đây, ông lại thường mặc áo đấu số 11.
Nhưng một huyền thoại khác của Man United là Bryan Robson lại quan tâm đến chiếc áo đấu này. Ông đã quen với chiếc áo số 7 ở West Bromwich và lấy nó từ Steve Coppell sau khi đến Man United, mặc dù là một tiền vệ trung tâm.
Sau đó, sự thành công của áo đấu số 7 được kế thừa xuất sắc bởi tiền đạo Eric Cantona, người đã mặc nhiều số áo khác nhau khi còn thi đấu ở Pháp nhưng đã gắn bó với số 7 tại Man United vì ông đã thay thế vị trí của Robson trong đội hình xuất phát, còn Brian McClair mặc áo số 9 lại lùi xuống đá tiền vệ.
Và chính Cantona, thay vì Best hay Robson, là người thực sự tạo ra biểu tượng số 7 tại CLB. Thật bất thường khi thấy con số đó được đeo bởi một tiền đạo, hơn là một tiền vệ, nhưng bằng cách nào đó nó quá phù hợp với hào quang của Cantona – một cầu thủ diễn giải vai trò của mình một cách bất thường.
Giờ đây, chiếc áo số 7 của Man United đã trở thành một vấn đề lớn. Sau khi Cantona nghỉ đấu, HLV Alex Ferguson đã trao áo số 7 cho David Beckham như một phần thưởng cho phong độ xuất sắc. Điều này cho phép Teddy Sheringham, người thay thế vị trí của Cantona rất hiệu quả – lấy số áo 10 yêu thích của mình từ Beckham.
Là một tiền vệ cánh phải, Beckham phù hợp với số 7 một cách hoàn hảo. Anh kết hợp với Gary Neville (2) trong những đợt tấn công bên cánh phải, trong khi Ryan Giggs (11) và Dennis Irwin (3) phối hợp cực hay bên cánh trái, phù hợp với định dạng đánh số truyền thống của Anh.
Beckham cũng mặc áo số 7 tại ĐT Anh, và trở nên gắn bó với con số đó đến nỗi anh hợp nhất nó với thương hiệu của mình. Nhãn hiệu thời trang trẻ em của anh kết hợp với hãng Marks & Spencer được gắn nhãn là DB07.
Beckham đã tận hưởng 6 năm với chiếc áo số 7 cho đến khi chuyển đến Real Madrid. Khi Beckham ra đi vào năm 2003, Man United đã ký hợp đồng thay thế hoàn hảo cho chủ nhân của áo đấu số 7. Không, không phải David Bellion, dù tên viết tắt của anh sẽ có tác dụng tốt trong lĩnh vực thời trang, mà là Cristiano Ronaldo.
Ronaldo ban đầu chơi ở vị trí tiền vệ phải, vì vậy anh được trao áo số 7 mặc dù cứ nằng nặc đòi số 28, số áo đấu của anh tại Sporting Lisbon. Tuy nhiên, HLV Ferguson khăng khăng bắt Ronaldo phải mặc số 7 và nói rõ với cả Ronaldo lẫn NHM rằng, ông kỳ vọng tiền vệ này sẽ trở thành ngôi sao bên cánh phải như Cantona và Beckham trước đó. Đó là một quyết định đúng.
Ronaldo không chỉ hợp với áo số 7 mà còn sao chép Beckham, bằng cách kết hợp số áo này vào phạm vi thời trang – CR7. Sau khi Ronaldo, và trước đó là Beckham, rời Man United đến Real Madrid, rõ ràng rằng Man United ngày càng bị ám ảnh bởi việc xây dựng thương hiệu cho áo số 7, muốn phát triển di sản và lịch sử của áo đấu này.
Tiền đạo Michael Owen đã làm cho áo số 7 trở nên khó hiểu mặc dù cả Cantona và Robson đều không phải là tiền vệ phải, dù anh cũng đoạt Quả bóng Vàng như Best và Ronaldo. Sau thời của Owen, đến lượt Antonio Valencia đã được trao số 7 sau mùa giải 2011/12 chơi cực hay và được bầu là Cầu thủ hay nhất mùa giải của CLB. Nhưng sau đó anh đã trải qua một mùa 2012/13 khủng khiếp và quyết định trở lại số 25.
Đây là một chuyển đổi bất thường nhưng đem đến một sự giải thoát cho số 7 tội nghiệp này. Tiếp đến là Angel Di Maria, người bị giao áo mang số 7 trái với ý muốn: “Khi đến đây, tôi thấy áo số 11 đã có sẵn. Đây là số áo tôi thường mặc khi còn trẻ nên tôi muốn nó. Tại Real Madrid, số 11 đã có chủ, vì vậy tôi đã nhận số 22. Tại Man United, họ đã cho tôi số 7. Tôi đã không có sự lựa chọn. Phải đến khi sang PSG tôi mới có số 11 ưa thích”.
Trong khi Man United đang cố gắng đẩy mạnh tầm quan trọng của chiếc áo số 7, nhưng họ không thể tìm ra được chủ nhân xứng đáng. Di Maria đã thất bại và Memphis Depay cũng là một sự thất vọng lớn. Alexis Sanchez cũng vậy – người ít nhất thực sự muốn có số 7 bởi anh đã gắn liền với số 7 suốt cả sự nghiệp, từ Colo-Colo, Udinese, Arsenal và ĐT Chile.
Tại Man United, số áo này hiện đang bỏ trống và được coi là “chén thánh độc”. Có một số người mong muốn tân binh Bruno Fernandes đeo số 7 mặc dù anh thích số 8, số áo vốn đang thuộc về Juan Mata. Bruno đã chọn số 18 dựa trên ngày sinh nhật của vợ mình và có lẽ ám chỉ việc anh muốn trở thành Paul Scholes mới.
Áo đấu số 7 tại Real Madrid cũng rất thú vị. Đây là CLB đã ký hợp đồng với cả Beckham và Ronaldo khi chuyển đến từ Man United vào năm 2003 và 2009. Cả hai đều không thể có được số 7 yêu thích của họ khi mới đặt chân đến Bernabeu. Điều tương tự cũng xảy ra với Luis Figo khi anh hoàn thành kỷ lục thế giới đáng kinh ngạc từ Barcelona năm 2000. Tất cả đã mặc áo số 7 tại CLB trước nhưng đều bị từ chối bởi cùng một cầu thủ.
“Huyền thoại chúa Nhẫn” Raul Gonzalez đã mặc số đó ở Real trong khoảng thời gian 14 năm, từ năm 1996 đến năm 2010, và tại ĐT Tây Ban Nha từ năm 2000 đến 2007. Vì vậy, anh trở thành số 7 mang tính biểu tượng nhất Lục địa Già.
Những người khác đơn giản không thể cạnh tranh nên Figo đành lấy số 10, Beckham chọn số 23 để bày tỏ niềm ngưỡng mộ ngôi sao bóng rổ Mỹ Michael Jordan, trong khi Ronaldo bị buộc phải trải qua một mùa duy nhất mặc áo số 9, đó là tin tốt cho những người hâm mộ vẫn sở hữu áo Real Madrid từ 2003-2007, khoảng thời “Ronaldo béo” mặc áo số 9 tại Real.
Nhưng Ronaldo cuối cùng đã lấy lại số 7 vào năm 2010 và tiếp tục khoác con số đó trong suốt 8 năm đến khi anh chuyển sang Juventus. Ở đó, anh lại được Juan Cuadrado trao cho chiếc áo số 7 như một món quà. “Chủ động cho tốt hơn bị cưỡng ép”, cầu thủ chạy cánh người Colombia đã viết trên Instagram, với nụ cười nửa miệng.
Chỉ một lần duy nhất kể từ năm 2010, Ronaldo đã mặc một số áo khác. Vào năm 2013, khi Real chào đón Al Sadd của Raul tới Bernabeu để thi đấu tôn vinh Raul. Khi đó, tiền đạo người Tây Ban Nha đã chơi mỗi hiệp cho một đội và Ronaldo hào phóng cho phép Raul mặc chiếc áo số 7 cũ của mình, còn anh mặc áo đấu số 11 lần đầu tiên trong đời.
Đến giai đoạn này, Ronaldo đã độc quyền thi đấu bên trái, thay vì bên phải. Nhưng ngoài lần ra mắt này, Ronaldo rõ ràng vẫn tiếp tục mặc chiếc áo số 7 yêu thích của mình và thời đại của những người chạy cánh ngược đã thay đổi bản chất của số áo đấu này.
Trong 17 năm qua, đã có một sự thay đổi trong việc sử dụng các tiền vệ thuận chân phải ở cánh trái và thuận chân trái ở cánh phải, cho phép họ chạy bó vào trong và dứt điểm. Do đó, có một thế hệ cầu thủ đã quen với số áo truyền thống lại được thấy thi đấu ở cách đối nghịch.
Real Madrid là một ví dụ hoàn hảo. Ronaldo là một cầu thủ chạy cánh phải cực hay nhưng càng hay hơn khi anh hoạt động bên cánh trái, và tiếp tục mang áo số 7. Gareth Bale từ một cầu thủ chạy cánh trái có uy tín đã trở thành cầu thủ chạy cánh phải, và anh tiếp tục mang áo số 11.
Giống như Beckham và Giggs đã mặc đúng số áo 7 và 11 ở hai bên cánh của Man United trong những năm 1990, thật khó để phủ nhận rằng, Ronaldo và Bale đã mặc đúng số 7 và 11 trong các cuộc tấn công “sai” của Real ở những năm 2010. Và bây giờ, việc cầu thủ đeo số 7 hay 11 phụ thuộc vào bên chân thuận thay vì cánh ưa thích của họ.
Bởi vậy, Frank Ribery thuận chân phải đã độc quyền mặc áo số 7 trong 15 năm qua cho Marseille, Bayern Munich và giờ là Fiorentina, dù anh tung hoành bên cánh trái và không một ai phàn nàn về điều đó. Trên thực tế, ở tình huống ngược lại – nơi một cầu thủ chạy cánh phải mang ngược số của một cầu thủ chạy cánh phải truyền thống – trông lạ hơn nhiều.
Andriy Yarmolenko của West Ham luôn chơi bên cánh phải, nhưng có vẻ lúng túng với số 7 vì anh thuận chân trái. Còn Richarlison, Raheem Sterling, Son Heung-min và Jadon Sancho đều có thể chơi ở hai cánh, nhưng họ lại thuận chân phải và chắc chắn đeo số 7. Sự phát triển này cho thấy số 7 là số áo đấu linh hoạt nhất trong các số áo tấn công.
Trong khi hầu hết phù hợp ở bên cánh phải, nó hoàn toàn có thể chấp nhận được với những cầu thủ đã đề cập ở trên mặc khi đá bên trái, trong khi James Milner, John McGinn và N’Golo Kante vui vẻ mặc nó khi đá ở trung tâm hàng tiền vệ.
Trong khi đó, các tiền đạo như Cantona, Raul, Luis Suarez, Henrik Larsson, Andriy Shevchenko, David Villa và Antoine Griezmann đã khiến số 7 trở nên rất phù hợp với việc ghi bàn của tiền đạo. Tất cả điều này làm tăng thêm sức nặng cho cảm giác rằng, lịch sử của con số này thực sự là về cầu thủ hơn là vai trò chiến thuật.