[ad_1]
“Màn ra mắt nhớ đời”, Jonathan Woodgate châm biếm sau khi lầm lũi đi vào đường hầm sân Bernabeu, xung quanh là tiếng la ó, chửi bởi của CĐV Real Madrid. Dính chấn thương nặng khi ký hợp đồng với Los Blancos hồi tháng 8/2004, trung vệ người Anh phải chờ tới 516 ngày mới có trận đấu thực sự cho Real. Nhưng màn thể hiện trước Bilbao hồi tháng 9/2005 lại là một thảm họa. Chỉ sau 25 phút, Woodgate đã bay người đánh đầu tung lưới… Iker Casillas. Tới phút 44, anh nhận thẻ vàng đầu tiên. Và dù đã cố gắng chơi cẩn thận thì 22 phút sau, anh nhận tiếp thẻ vàng thứ 2 và rời sân trong đau khổ.
Woodgate chỉ thi đấu thêm 9 trận nữa tại La Liga cho Real trước khi trở lại Anh, khép lại một hành trình thất bại toàn tập ở đội bóng vĩ đại nhất lịch sử. Hãy nhớ, ngày Woodgate mới ra mắt, anh cũng được trọng vọng như Bellingham bây giờ. Có gì đảm bảo Jude sẽ không đi vào “vết xe đổ” của Jonathan?
Thực tế, có một mối liên hệ lịch sử giữa người Anh và Tây Ban Nha trong bóng đá. Chính những người Anh đã mang môn thể thao này tới xứ Bò tót. Một trong số đó, Arthur Johnson là người góp công lớn giúp Real Madrid có được những cơ sở vững chắc để phát triển sau 2 thời kỳ làm cầu thủ và HLV (giai đoạn 1902-1920). Johnson sinh ra ở Dublin, CH Ireland (thời điểm vẫn thuộc Vương quốc Anh) và tự nhận mình là một “người Anh” chứ không phải “người Ireland”. Nhưng dù từng có thời điểm những người Anh là “chuyên gia” bóng đá tại Tây Ban Nha, thì bây giờ chắc chắn không phải.
Bellingham trở thành cầu thủ người Anh thứ 6, và cầu thủ Vương quốc Anh thứ 7 khoác áo Real Madrid từ năm 1929. Những con số quá nhỏ bé, không tương xứng với tầm vóc của 2 cường quốc bóng đá. Rõ ràng, sự giao thoa là rất ít, đặc biệt là cầu thủ Anh sang thi đấu ở Tây Ban Nha. Và với những trường hợp của Woodgate, người ta tự mặc định với nhau rằng: cầu thủ Anh không hợp và sẽ không thành công ở La Liga.
Đương nhiên, không thiếu một vài trường hợp tạo nên dấu ấn như Gary Lineker, Steve McManaman, David Beckham, Laurie Cunningham… nhưng chắc chắn họ không thể trở thành những biểu tượng người nước ngoài ở La Liga như Hristo Stoichkov, Luka Modric, Michael Laudrup hay Predrag Mijatovic.
Cựu HLV ĐT Anh và Real Madrid, Fabio Capello cho rằng, nguyên nhân nằm ở việc các cầu thủ Anh thiếu niềm vui trong cuộc sống, hoặc không tìm thấy nó ở Tây Ban Nha. Vì kinh tế, họ chủ yếu sống cục bộ trong lãnh thổ Anh và nếu có sang nước ngoài thi đấu thì cũng không kéo dài lâu. Và sau đó, khi giải nghệ, họ cũng quyết định hồi hương chứ không sống luôn ở nước sở tại.
Nhưng để thành công ở Tây Ban Nha, bóng đá chỉ là một phần. “Chính xác 100%”, Woodgate khẳng định. Woodgate đen đủi khi dính chấn thương nhưng nhìn ở một góc độ khác, nó đã cho cựu trung vệ Middlesbrough có thêm rất nhiều thời gian để tìm hiểu văn hóa, con người tại Madrid. Tiếp xúc với nhiều chuyên gia phục hồi bản địa, tiếng Tây Ban Nha của Woodgate trở nên mượt mà, thậm chí có thể pha trò với đồng đội. Thay vì phải nhờ tài xế chở đi tập, Woodgate đã có thể tự lái xe. Ban đầu, anh bị… lạc và phải dùng tới định vị để tìm đường về nhà. Nhưng sau đó mọi thứ ổn hơn, và Woodgate cũng tận hưởng cuộc sống ở Madrid hơn.
“Lời khuyên của tôi dành cho những cầu thủ đến Tây Ban Nha là hãy cố học ngôn ngữ càng sớm càng tốt”, Woodgate chia sẻ. “Tiếp theo, hãy cố hòa nhập với văn hóa bằng cách nỗ lực trong mọi thứ. Miễn là bạn cố gắng thì dù có mắc lỗi, người ta cũng không phiền đâu”.
McManaman thì đưa ra một lời khuyên trực diện hơn dành cho những cầu thủ như Bellingham: “Dù bây giờ đã có người phiên dịch, có người giúp bạn trả mọi loại hóa đơn, giúp bạn giặt đồ, chăm sóc gia đình và cũng có nhiều người biết tiếng Anh, bạn vẫn phải học tiếng Tây Ban Nha. Nhưng điều quan trọng nhất là sau khi tập, bạn vẫn phải có một chỗ để về phải không. Đừng ở khách sạn, hãy mua một ngôi nhà, bắt chuyện với hàng xóm, hỏi han mọi thứ. Sau đó, cố gắng tự làm hết, từ giặt giũ, phơi phóng, đi đổ xăng. Bạn sẽ gom được sự tự tin sau từng nhiệm vụ nhỏ bé đó. Cuối cùng, nếu đã chơi cho Real Madrid, hãy học cách yêu và sống cùng Madrid”.