[ad_1]
Khi bước lên cầu thang ở sân tập của Brighton, bạn sẽ thấy một khẩu hiệu đập ngay vào mắt: “Giá trị của Brighton: Chúng tôi không bao giờ bỏ cuộc”. Dọc theo bức tường và dưới khẩu hiệu là một dòng chữ khác: “Chiến lược của Brighton 2020-24”. Những dòng chữ này, bao gồm tất cả thứ khác, từ tuyển dụng cầu thủ, văn hóa, bản sắc cho đến phúc lợi, đều được chính tay cựu giám đốc kỹ thuật Dan Ashworth – người hiện đã chuyển sang làm việc cho Newcastle, soạn thảo. Mọi chuyện không có gì khác biệt. David Weir, người kế nhiệm Ashworth, đang giúp Brighton phát triển ngày càng mạnh mẽ.
Cơ sở vật chất đẳng cấp thế giới
Brighton có một khu spa tiêu chuẩn 5 sao bên trong trung tâm huấn luyện. Điểm đặc biệt là một trong những vòi hoa sen tại đây có chế độ “bão Carribe” và “mưa nhiệt đới”. Báo chí Anh hé lộ, một trong những cựu cầu thủ của Brighton từng hỏi mua một cái tương tự để lắp ở phòng tắm nhà mình, nhưng đã “ngã ngửa” trước mức giá của nó. Trước khi đến khu spa sẽ có một phòng thư giãn và phòng tập yoga.
Ngoài ra, còn có 3 phòng có khoang ngủ. Ở tầng dưới có các buồng cao áp nhằm hỗ trợ phục hồi cùng khu điều trị và phòng tập gym của đội một. Thậm chí, Brighton còn đầu tư một bức tường leo núi để giúp cải thiện độ bám cho thủ môn. Những bữa ăn sáng được phục vụ từ 8 giờ, và Brighton chu đáo đến nỗi họ còn tìm người chăm sóc chó cho hậu vệ Jan Paul van Hecke.
De Zerbi giống như một người anh
Tiền vệ Adam Lallana có một cảm xúc mãnh liệt hiếm có khi nói về Brighton. Điều này càng được chú ý hơn bởi những gì ngôi sao 35 tuổi đã đạt được trong sự nghiệp của mình. Lallana nói: “Mối quan hệ của tôi với Roberto như anh em trong nhà vậy”. Khi cựu cầu thủ Liverpool gặp chấn thương mùa trước, anh được phép “bám càng” Roberto De Zerbi trong 4 tháng. Sau đó là những trải nghiệm không thể nào quên.
Lallana tiếp tục: “Tôi không biết Roberto làm điều đó bằng cách nào, cách ông ấy chuẩn bị cho mỗi trận đấu. Roberto có 4 trợ lý người Italia ở nhà ông ấy, đầu bếp thì nấu ăn, còn ông ấy xem các trận đấu. Đó là cuộc sống của Roberto. Gia đình ông ấy đang sống ở Italia, và ông ấy phải hi sinh rất nhiều. Roberto dồn mọi tâm sức vào bóng đá. Đó không phải may mắn, tôi có thể nói với bạn như vậy.
Roberto giống như một người anh trai mà tôi chưa từng có. Ông ấy đòi hỏi rất cao, giống như Klopp vậy nhưng theo cách khác. Roberto bị ám ảnh về mặt chiến thuật, và đó là chất Ý trong con người ông, còn Klopp bị ám ảnh bởi thứ bóng đá giàu cảm xúc. Chúng khác nhau, nhưng cả hai đều hoạt động. Roberto đã mang đến một thứ văn hóa mạnh đến mức nó tự vận hành trong phòng thay đồ”.
Kế hoạch kế nhiệm cho từng vị trí
Brighton luôn chuẩn bị trước những kế hoạch tỉ mỉ liên quan đến người kế nhiệm ở mọi vị trí. Họ thậm chí còn “trinh sát” cả những nhân viên làm việc tại bãi đỗ xe của các CLB đối thủ nhằm tìm kiếm cái tên phù hợp. Theo CEO Paul Barber, đó là một phần của “kế hoạch kế nhiệm”, giúp cỗ máy luôn hoạt động trơn tru bất chấp đã mất 30 nhân viên chủ chốt kể từ năm 2021.
“Tôi có một biểu đồ”, Barber nói trước khi tổ chức bữa tối cho AEK Athens trước trận đấu tại Europa League. “Nó bao gồm tất cả những người đứng đầu bộ phận và tất cả các vai trò cấp cao trong CLB mà tôi gọi là ‘sứ mệnh quan trọng’. Nó giống như một hệ thống đèn giao thông vậy. Nếu tôi có màu xanh lá trên biểu đồ của mình thì có nghĩa tôi đang làm tốt. Nếu tôi có sự kết hợp giữa màu xanh lá và màu vàng thì tạm được còn nếu màu đỏ thì tôi đang ở tình trạng thực sự rất tồi tệ. Điều đó có nghĩa hội đồng quản trị có thể thấy tôi đang làm không đúng công việc của mình”.
Ngay cả trong hợp đồng của Barber cũng nêu rõ, nếu rời đi, ông phải có nghĩa vụ giúp tìm người kế nhiệm. “Tôi được yêu cầu phải làm vậy. Cái hay của công việc này là chúng tôi đi khắp đất nước hàng tuần và quan sát mọi người. Kể cả nhân viên bãi đậu xe đôi khi cũng vậy. Tôi sẽ làm điều đó. Triết lý khác mà chúng tôi có là phải cố gắng thay thế nhau bằng ai đó tốt hơn. Nếu bạn thuê những người giỏi hơn mình thì theo lý thuyết, CLB sẽ phát triển”, Barber lý giải.
Ở mùa giải 2015/16, Brighton bắt đầu áp dụng chế độ thưởng, một mô hình vẫn khá độc đáo trong bóng đá bởi nó liên quan đến tất cả nhân viên chứ không riêng các cầu thủ. Brighton đứng thứ ba tại giải Hạng nhất Anh, và thua ở trận play-off thăng hạng nhưng không được nhận tiền thưởng. “Các nhân viên nghĩ rằng vì chủ tịch là một người tốt nên họ sẽ nhận được thứ gì đó. Họ chẳng nhận được gì cả. Nếu chúng tôi thăng hạng, họ sẽ có thưởng còn không thì chẳng có gì. Đó là khoảnh khắc lần đầu mọi người nhận ra tiêu chuẩn ở đây cao như thế nào. Thăng hạng là thăng hạng và sẽ được thưởng. Không có chuyện nhập nhằng”.
Xác định mục tiêu chuyển nhượng từ rất sớm
Không có gì nghi ngờ khi Brighton quá giỏi ở khâu mua bán cầu thủ. Nhận câu hỏi Brighton nhắm đến bao nhiêu cầu thủ, giám đốc kỹ thuật David Weir đáp: “Tất cả. Chúng tôi có những người theo dõi thị trường hàng ngày và xác định ai là người giỏi nhất ở từng vị trí phù hợp với tiêu chí của chúng tôi”.
Đó là lý do vì sao khi Chelsea hỏi mua Marc Cucurella với giá lên tới 62 triệu bảng, Brighton lập tức đồng ý bán. Sau đó, họ mang về hậu vệ Pervis Estupinan với giá chỉ dưới 15 triệu bảng từ Villarreal.
Weir nói: “Đôi khi bạn phải phản ứng và chúng tôi đã có sẵn người thay thế. Bạn có thể xác định mục tiêu cho hai kỳ chuyển nhượng tiếp theo, cố gắng thử và dự đoán. Chúng tôi tuân theo các thông số nhất định.