[ad_1]
Người ta nói rằng, mỗi năm ở CLB Barcelona có… hai mùa. Đó là mùa giải (tập trung vào những danh hiệu) và “mùa co kéo” (đáp ứng điều kiện tài chính của La Liga, đăng ký cầu thủ). Và khi mùa giải vẫn còn diễn ra, mùa co kéo đã tới.
Mới đây, Barcelona vừa bị Ban tổ chức La Liga “tuýt còi” ở vụ Gavi. Dù đã gia hạn hợp đồng với điều khoản phá vỡ 1 tỷ euro, nhưng tiền vệ này vẫn chỉ được đăng ký với tư cách cầu thủ đội trẻ. Hợp đồng mới chưa được La Liga cho phép đăng ký (vì vượt quỹ lương). Tệ hơn, Gavi được phép tự do rời Barcelona nếu anh không được đăng ký với tư cách cầu thủ đội 1 trước ngày 30/6.
Chưa dừng lại ở đó, Chủ tịch La Liga, Javier Tebas còn yêu cầu Barca buộc phải giảm quỹ lương 200 triệu euro (từ 600 triệu euro xuống còn 400 triệu euro) mới đủ điều kiện đăng ký thi đấu ở La Liga mùa tới.
Làm thế nào để giải quyết vấn đề này? Cách duy nhất là tăng thu nhập hoặc giảm chi phí. Điều đó giúp Barca có thêm giới hạn về quỹ lương. Một trong những cách giúp giải quyết đồng thời cả hai vấn đề này, đó là… bán cầu thủ.
Trong những năm qua, Chủ tịch Joan Laporta đã quá quen với những việc như này. Cứ mỗi mùa chuyển nhượng, Barca giống như máy tính hoạt động hết công suất. Dù mua rất nhiều cầu thủ, nhưng số lượng người bị thanh lý (hoặc giảm lương) còn lớn hơn. Đơn cử như mùa Hè 2022, CLB xứ Catalunya đã giảm tải tới… 22 cầu thủ (tính cả bán, cho mượn, giải phóng hợp đồng).
Điều đáng nói, những công thần của CLB, những người vốn nhận mức lương rất cao, luôn phải chịu thiệt thòi. Gerard Pique bị ép giảm lương, rồi giải nghệ trong mùa này. Mùa Hè 2023, “bảng phong thần” hướng tới những cái tên khác như Sergi Roberto, Sergio Busquets, Jordi Alba và Frankie Kessie.
Trong số này, Busquets (34 tuổi), Roberto (31 tuổi) sẽ hết hạn hợp đồng vào mùa Hè năm nay. Khả năng họ ra đi là rất cao khi Barca cần làm mới đội hình. Hợp đồng của Alba còn tới năm 2024, nhưng cũng không tránh khỏi số phận tương tự. Trong khi đó, Kessie được chiêu mộ theo dạng chuyển nhượng tự do ở mùa Hè năm ngoái. Dù bán với bất kỳ giá nào, Barca cũng có lợi nhuận ở thương vụ này.
Điều đáng nói, mức lương của hầu hết cầu thủ kể trên đều thuộc hàng đầu ở Camp Nou. Busquets là người nhận lương cao thứ hai ở CLB với 21,51 triệu euro. Alba nhận 20,36 triệu euro. Con số này với Kessie và Roberto lần lượt là 9 và 5 triệu euro.
Sự ra đi của họ là không tránh khỏi trong bối cảnh HLV Xavi Hernandez rất cần tiền để làm mới đội hình. Nhưng cuộc thanh trừng chắc chắn không dừng lại ở đó. Bởi nếu Xavi mua thêm tiền đạo Ferran Torres, Ansu Fati hay Ousmane Dembele sẽ phải đối diện tương lai bất ổn.
Đáng chú ý, cầu thủ nhận lương cao nhất Barca, Frenkie de Jong lại được đảm bảo tương lai. Dù từng nổi loạn gây sức ép về lương nhưng ngôi sao người Hà Lan lại được cơ cấu và trở thành chìa khóa trong lối chơi của HLV Xavi.
“Mùa co kéo” nào ở Barca cũng giống như cuộc chiến. Thậm chí, để tồn tại, họ đã phải bán cổ phần ở các công ty con hoặc bán bản quyền dài hạn… thông qua những kế hoạch đòn bẩy kinh tế. Chủ tịch Laporta chấp nhận bán tương lai để nuôi dưỡng thành công hiện tại. Ít nhất cho tới lúc này, đội bóng xứ Catalunya vẫn chưa đi chệch hướng khi đang dẫn đầu La Liga. Chỉ có thành công mới cứu Barca thoát khỏi những cuộc thanh trừng tiếp theo.
Busquets buộc phải lựa chọn
Theo tờ Mundo Deportivo, nếu muốn ở lại Barca, Busquets sẽ phải giảm phần lớn số tiền lương. Thời gian qua, cầu thủ này đã nhận được nhiều lời mời hấp dẫn từ Inter Miami (Mỹ) hay Al Nassr (Saudi Arabia). Trong đó, Al Nassr hứa trả lương lên tới 20 triệu euro/năm cho cầu thủ này. HLV Xavi đã ngắm tới Sofyan Amrabat để thay thế Busquets.