[ad_1]
Năm 2000, sau khi đám đông ở Old Trafford la ó đội bóng trong trận thắng tồi tệ ở Champions League trước Dynamo Kyiv, Keane đã nổi cơn thịnh nộ. “Tôi không nghĩ rằng cái đám này đến Old Trafford có thể đánh vần tròn vành rõ chữ từ ‘bóng đá’. Kệ cho chúng la ó, ai thèm quan tâm”, thủ quân người Ireland nổi giận và mắng mỏ đám CĐV “mồm nhanh hơn não”.
Dù bị chửi như vậy nhưng NHM của MU rất sướng bởi họ cần một thủ quân “tính nóng như kem”, sẵn sàng chiến đấu chết bỏ vì danh dự và sự tôn nghiêm của bản thân và đội bóng. Điều đó êm ái hơn rất nhiều khi phải chứng kiến những thế hệ cầu thủ “nữ tính”, đớn hèn, thua nhục mà vẫn nhăn nhở cười đầy lạc quan vào tương lai.
Phải chi mà Keane còn đang thi đấu, NHM ước thế. Họ khát khao Keane “vãi đạn” vào đám Marcus Rashford, Bruno Fernandes, Harry Maguire và tất cả những kẻ còn lại vì việc ăn lương cao ngất mà đá đấm như “lũ đầu đất”. Bởi đến một huyền thoại đẳng cấp như Rio Ferdinand cũng còn bị Keane chửi xơi xơi: “Cái thằng hốc tới 120.000 bảng/tuần mà đá có 20 phút trong trận gặp Tottenham mà cứ làm như siêu sao”.
Keane không tha bất cứ ai thi đấu dặt dẹo khiến ông ngứa mắt. Keane chỉ trích thằng bé Kieran Richardson, gọi anh ta là “thằng hậu vệ lười biếng đáng bị trừng phạt”, trước khi gầm gừ “Tôi không thể hiểu tại sao mọi người ở Scotland lại phát cuồng về Darren Fletcher”.
Đồng hương John O’Shea cũng chẳng thoát khi bị cáo buộc là “chỉ đi loanh quanh trên sân như thằng đần”, đồng thời khẳng định rằng tiền đạo Alan Smith “ngẫn đến mức không biết mình đang làm gì ở MU”. Nhìn chung, không ai thoát được sự soi mói và chì chiết của Keane, kể cả ông thày đáng kính Alex Ferguson, người đã hủy hợp đồng với Keane, “cái lão già mắc dịch, bảo thủ hơn cả mũ bảo hiểm kín hàm”.
Cũng kể từ đó, MU không còn những con người như Roy Keane nữa. Họ không còn một cầu thủ sẵn sàng làm bẽ mặt các nhà báo, khiến các cầu thủ bị chấn thương, chủ nhân của những cú kung fu và những pha tấn công đồng đội trong phòng gym…
Vậy điều gì đã khiến Keane có tính cách dữ dội, mạnh mẽ, đôi khi vượt tầm kiểm soát của lý trí như vậy? Tiến sĩ Aidan Moran, giáo sư tâm lý học tại UCD và là tác giả của một số cuốn sách về tâm lý học thể thao, đã từng tư vấn sức khoẻ tâm thần cho Keane ở giai đoạn cuối sự nghiệp cầu thủ nhận xét: “Anh ta có sức mạnh tinh thần phi thường”.
Keane cũng chia sẻ rằng: “Giai đoạn ảm đạm cuối sự nghiệp đã khiến tôi thay đổi rất nhiều. Nhưng tôi vẫn rất yêu quý MU và bực mình với những gì đang xảy ra với đội bóng. Cho dù nhiều người ở CLB này có thiên kiến rằng tôi quá dữ dằn, nóng nảy, làm tổn thương hoà khí. Nhưng hãy nhìn những gì đang diễn ra ở MU, liệu có ai chấp nhận được không?”.
Tiến sĩ Moran cũng cho rằng, bản chất những cơn giận dữ của Keane xuất phát từ việc ông luôn muốn phá bỏ mọi rào cản chất lượng để tiến lên. Ông có quyết tâm tự phát triển cá nhân phi thường, đầy phẩm chất của một chuyên gia mẫu mực, hoàn hảo.
“Điều làm tôi thích thú nhất ở Roy là quyết tâm thành công phi thường của anh ta. Roy luôn chứng minh rằng lòng quyết tâm có thể đưa một cầu thủ lên đỉnh cao, ngay cả khi đối mặt với nghịch cảnh. Khát khao mãnh liệt để vượt qua những thành tích trước đó vẫn là đặc điểm thường xuyên trong sự nghiệp của anh ta. Đó là một điều hiếm thấy, ngay cả ở những cầu thủ hàng đầu”.
Như thế, chúng ta đã phần nào hiểu được tại sao Keane luôn nóng mắt với những kẻ lươn khươn trong đội bóng của mình, bất kể đó là ai. Nhục mạ người khác cũng là một cách dạy dỗ, tuy nhiên, cách dậy dỗ này rất dễ gây phản cảm, đâm ra trở nên tiêu cực hơn tích cực.
Trong con mắt của Keane, một cầu thủ đã được trả rất nhiều tiền để thi đấu tốt trên sân cỏ, cống hiến hết mình, đem về thành tựu và làm hài lòng CĐV. Bản thân Keane luôn làm theo tôn chỉ này nên càng dễ căm tức những người mà ông cho rằng “ngửa tay nhận tiền mà không thấy ngượng”.
Cơn giận dữ khét tiếng của Keane sinh ra từ sự thất bại của ông trong việc đạt được các tiêu chuẩn cao mà ông đã đặt ra cho mình và đồng đội, nhất là khi ông cho rằng những tiêu chuẩn đó hoàn toàn có thể đạt được nếu nghiêm túc. Nhưng khi nó không đạt, sự bực bội tăng lên gấp đôi.
“Chủ nghĩa hoàn hảo là trọng tâm của vấn đề. Và Keane là một trong số ít người mà sự giận dữ và thịnh nộ dường như thúc đẩy họ đạt đến những tiêu chuẩn xuất sắc cao hơn, thay vì trở thành một nhân tố cản trở nó. Anh ta cũng giống như tay vợt cuồng nộ John McEnroe vậy. Những con người này tương đối hiếm. Họ không thể hiểu tại sao những người khác không chia sẻ việc theo đuổi sự xuất sắc của họ.
Đối với hầu hết chúng ta, sự tức giận dường như khiến chúng ta mất tập trung vào thử thách mà chúng ta đang theo đuổi, trong khi đó với trường hợp của Keane hoặc McEnroe, nó dường như chỉ tiếp thêm sinh lực cho họ để đạt đến tầm cao hơn”, Moran nói.
Rõ ràng, như một cơn bão sấm sét dữ dội có thể phá huỷ mọi thứ trên đường nó đi, tuy nhiên, ngay khi sấm sét giáng xuống, rất nhiều khí ozone được tạo ra, giúp bầu không khí trở nên trong sạch hơn, nhiều dưỡng khí hơn. Sự giận dữ của Keane cũng thế, nó là đòn công phá tâm lý, khiến kẻ khác hoặc phải sụp đổ hoặc phải tiến lên.