[ad_1]
Để nói về tính điên rồ, cặp đấu MU và Brentford trong mùa này xứng đáng đứng số 1. Trong cả 2 lượt trận, đều có tới 2 bàn thắng được ghi trong thời gian bù giờ của hiệp 2. Chỉ là ở trận lượt đi, MU có 3 điểm, còn lượt về thì chỉ có 1 điểm mà thôi.
Một điểm giống nhau khác của 2 trận đấu là Brentford chơi hay hơn. Đến chính fan MU có lẽ cũng không thể nói khác, đặc biệt là ở màn tái đấu trên sân Gtech. Trở lại sau đợt tập trung ĐTQG, Brentford tỏ rõ sự vượt trội về thể lực. Đội chủ nhà tấn công áp đảo, dồn ép MU đến nghẹt thở.
Bằng một cách thần kỳ nào đó, MU không để thủng lưới trong 90 phút chính thức dù cầu môn của Andre Onana đã rung lên tới… 4 lần. Cơ sở để nói MU nên cảm thấy may mắn với 1 điểm thay vì tiếc nuối chính là đây. Brentford dứt điểm tổng cộng… 31 lần (so với 11 của MU), với chỉ số bàn thắng kỳ vọng (xG) lên tới 2,67. Thế nhưng trong một ngày kém duyên, họ chỉ ghi được 1 bàn. Ngược lại, xG của MU là 0,50 và cũng có 1 bàn thắng, vậy thì tiếc điều gì?
Đây là trận đấu mà tuyến giữa của MU đã chơi rất tệ, đặc biệt là ở khả năng đánh chặn. Brentford có quá nhiều phương án xâm nhập vòng cấm và đối mặt với Onana. Có thể thông cảm phần nào cho MU khi họ liên tục gặp tổn thất về lực lượng, phải thay nguyên cả cặp trung vệ. Nhưng chính việc tuyến trên không cầm được bóng đã gián tiếp gây áp lực ngược lại xuống phía dưới, dẫn tới những tình huống căng mình cứu thua của các hậu vệ.
Ten Hag chắc chắn có nhiều điều cần nói với hàng công đắt giá của mình. Ông thầy người Hà Lan có đủ những quân bài tốt nhất là Bruno, Rashford, Garnacho và Hojlund nhưng bộ tứ này hoạt động hiệu quả kém xa những đồng nghiệp ít danh tiếng hơn hẳn của Brentford. Sự ăn ý chính là mấu chốt. Trong khi cả tập thể Brentford hòa mình vào một thể thống nhất, lên cùng lên, xuống cùng xuống thì các tuyến của MU bị chia rẽ quá nhiều. Trong rất nhiều lần lên bóng, chỉ có 3 cầu thủ đội khách đối mặt với cả hàng thủ chủ nhà.
Đây là vấn đề Ten Hag liên tục gặp phải sau mỗi đợt nghỉ dài. Tính ổn định của MU quá yếu và họ trông như một bản thể khác hẳn chỉ sau vài tuần. Chiến lược gia người Hà Lan thay vì tìm ra giải pháp cho một vấn đề lặp đi lặp lại, lại coi đó như một điều hiển nhiên bằng tuyên bố: “Sau kỳ nghỉ thi đấu quốc tế, phong độ không bao giờ cao như trước”.
Vậy chẳng lẽ Brentford không có cầu thủ phải về tập trung ĐTQG? Không, trái lại là đằng khác. Đội chủ nhà vẫn chơi tuyệt hay trong bối cảnh Mark Flekken, Ivan Toney, Nathan Collins, Mathias Jensen, Mads Roerslev và Yegor Yarmolyuk cũng vừa căng mình cống hiến cho quê hương.
Phía bên kia chiến tuyến, HLV Thomas Frank của Brentford nói: “Tôi gần như mất niềm tin vào vị thần của môn thể thao bóng đá, ông ấy phản bội chúng tôi. Chúng tôi tung ra nhiều cú sút nhất từng có trong một trận đấu của Premier League. Cái kết là chúng tôi không giành được chiến thắng, thật không thể tin được”.
Một trận đấu kỳ lạ khi một bên chơi hay, một bên chơi dở, ra về với 1 điểm nhưng không bên nào hài lòng!