[ad_1]
“Tôi có thể xác nhận rằng Josko Gvardiol và người đại diện đã nói với chúng tôi về mong muốn chuyển đến Man City”, Giám đốc thể thao của Leipzig, Max Eberl cho biết. “Chúng tôi đang đàm phán với Man City. Đó là tất cả những gì có thể nói vào lúc này”.
Đây là thông tin không thể tuyệt vời hơn dành cho người hâm mộ Man City. Khi mà đối tác đã công khai thế này, khả năng thành công của thương vụ là cực cao. Cũng phải thôi, City đã theo đuổi ai thì đều có cách để hoàn thành.
Khác với trường hợp của Declan Rice, Man City nghiêm túc với Gvardiol hơn rất nhiều. Đôi bên đang xúc tiến để biến cầu thủ người Croatia trở thành trung vệ đắt giá nhất mọi thời đại ở mức 100 triệu euro. Hiển nhiên Leipzig vẫn đang kì kèo “bớt một thêm hai”, nhưng thực tâm họ đã xuôi lòng khi biết mình đã lãi to. Hai năm trước, đội bóng nước Đức chỉ bỏ ra có 18,8 triệu euro để mua Gvardiol từ Dinamo Zagreb.
Tại Leipzig, Gvardiol được ví là “Erling Haaland của hàng thủ” với bộ kĩ năng đa dạng và tư duy chiến thuật rất tốt. Điểm mạnh nhất của Gvardiol là sự quyết đoán khi anh có rất ít động tác thừa và sở hữu khả năng tấn công rất ổn.
Giống như phiên bản ở hàng công, “Haaland hàng thủ” vừa cao lớn, lại vừa khéo léo, có sức mạnh nhưng lại chơi bóng rất thông minh. Giống như tổng hợp của những gene trội vào với nhau, Gvardiol nổi bật hoàn toàn so với lứa tuổi. Hiển nhiên, Gvardiol đã đạt được một vài thành tựu nhất định và nhận về vô số lời khen. Nhưng so với bình diện thế giới, như vậy vẫn chưa là gì. Chính vì thế, cơ hội được làm việc với Pep Guardiola, qua đó nâng cấp bản thân là quá kích thích và khiến Gvardiol không thể chối từ.
Hãy nhìn vào Haaland của hiện tại. So với chính cầu thủ người Na Uy trong màu áo Dortmund, sự khác biệt là khủng khiếp. Ngay từ những ngày đầu tiếp xúc, Haaland đã miêu tả Guardiola là “gã điên” theo hướng tích cực và “tôi thích thế”. Gặp được Pep để tối ưu hóa toàn bộ nội tại của mình, Haaland chính là ví dụ chào hàng rõ rệt nhất. Không chỉ đột phá về số bàn thắng, Haaland còn tự cảm nhận mình hiểu hơn về bóng đá và nhạy cảm hơn với chiến thuật.
Ngoài tiền bạc, danh hiệu, Gvardiol cũng muốn có được trải nghiệm có một không hai đó, được làm việc chung với HLV có thể là xuất sắc nhất trong lịch sử. Đổi lại, khi nhà có điều kiện, Pep chẳng tội gì mà không đón nhận cơ hội đón chào “Haaland thứ 2”, nhất là khi ông cũng thích Gvardiol từ lâu.
Đôi khi, ở tuổi 21, Gvardiol bị nhận xét hưng phấn quá mức, dẫn đến việc dễ mắc sai lầm. Với Pep Guardiola, điều này có thể sửa rất đơn giản. Điểm khiến Pep rất ưa thích Gvardiol là việc trung vệ này có khả năng đi bóng rất tốt, thậm chí khi cần có thể đá hậu vệ trái rất ổn, băng lên không chiến ghi bàn cũng không phải bàn.
Guardiola đánh giá cao Gvardiol về khả năng xử lý bóng và tranh chấp tay đôi. Bên cạnh đó, ông ưu tiên mua trung vệ hơn hậu vệ cánh. Sau thành công mùa trước, Guardiola muốn phát triển thêm hệ thống phòng ngự 4 trung vệ. Gvardiol có thể được kích hoạt chơi mọi vị trí ở hàng thủ, và không chừng là hàng tiền vệ, như cách John Stones tỏa sáng mùa 2022/23. Ai mà biết được, đó chính là sự hấp dẫn khi được làm việc với Pep.