[ad_1]
Hỏi 10 CĐV của Tottenham, có lẽ cả 10 người đều thừa nhận, họ không thấy có lý do để bật champagne ăn mừng khi hay tin Ange Postecoglou được bổ nhiệm làm HLV mới của đội bóng. Với tất cả sự tôn trọng thì ông Postecoglou “chỉ” là một người Australia từng phải lang thang tới tận Nhật Bản và “đỉnh cao” chỉ là Celtic. Ông chưa từng làm việc ở một đội bóng nào khác thuộc top 5 giải VĐQG hàng đầu châu Âu. Postecoglou thậm chí còn chưa từng đặt chân tới châu Âu trong sự nghiệp chơi bóng của mình.
Đã vậy, Postecoglou còn có thói quen khởi đầu một cách chậm chạp. Thấy rõ nhất là ở chính hai đội bóng mà ông từng dẫn dắt trước khi tới Tottenham. Ở Yokohama F. Marinos, vị HLV 58 tuổi suýt chút nữa thì khiến đội bóng phải xuống hạng. Sang Celtic, ông cũng để thua tới 3 và hòa 1 trong 7 trận đấu đầu tiên ở giải VĐQG Scotland.
Những dữ kiện ấy đã phát ra một thông điệp hết sức rõ ràng: “Hãy kiên nhẫn, đừng đòi hỏi thành công tức thì với Ange Postecoglou!”
Hóa ra các CĐV của Spurs “không cần” phải kiên nhẫn. Chiến thắng trước Luton hôm thứ Bảy đã giúp họ thu về điểm số thứ 20 ở mùa giải này. Trong lịch sử, chưa có mùa giải Premier League nào mà Spurs có được ngần ấy điểm sau 8 trận đầu tiên. Thực tế là nếu muốn tìm thấy một khởi đầu tốt hơn của Spurs thì chúng ta phải quay trở lại mùa giải 1960/61. Mùa ấy, Gà trống giành được cú đúp ở các giải quốc nội.
Điều đáng nói hơn là không chỉ có kết quả, Tottenham còn gây được ấn tượng mạnh về lối chơi. Đúng là có nhiều chiến thắng của họ chưa thuyết phục 100%, họ có gặp may, lại được ưu ái một chút bởi các trọng tài ở những thời điểm then chốt. Nhưng nhìn tổng quan, Spurs đã lên ngôi đầu bảng bằng lối chơi tấn công đậm chất giải trí.
Đó là thực tế hoàn toàn đi ngược lại những dự báo ban đầu, rằng các cầu thủ Tottenham sẽ cần nhiều thời gian để làm quen với những phương pháp của Postecoglou, nhất là khi cả mấy đời HLV trước đó của họ đều theo trường phái thực dụng.
Vậy thì rốt cuộc điều gì đã xảy ra? Tại sao cả Postecoglou lẫn Tottenham đều “đánh mất chính mình” như thế?
Lý do đầu tiên chính là chất lượng cầu thủ. Ở Tottenham, nói gì thì nói, Postecoglou có trong tay một tập thể tài năng và đẳng cấp hơn nhiều lần những tập thể ông từng được làm việc trước đó. Không chỉ vậy, những cầu thủ này cũng được đào luyện để thích nghi với nhiều vai trò khác nhau.
Pedro Porro, ví dụ, không xa lạ gì với vai trò hậu vệ cánh bó giữa, một lý do anh lọt vào mắt xanh của Pep Guardiola. Tương tự là Destiny Udogie. Trung vệ Micky van de Ven thì đã quá nhuần nhuyễn cách chơi trong một hàng thủ dâng cao ở một đội bóng có lối tiếp cận rủi ro cao phần thưởng lớn.
Ngoài tài năng là thái độ. Các cầu thủ Tottenham ngay từ đầu đã tỏ ra hứng thú và chào đón Postecoglou cùng cách tiếp cận mới của ông sau khi đã chán ngấy lối chơi hà khắc dưới thời Jose Mourinho, rồi đến Antonio Conte.
Ngoài ra, tình trạng của Spurs, dù mất Harry Kane, cũng không đến mức rã đám như ở các đội bóng trước đó mà Postecoglou tiếp quản. Ví dụ Celtic khi Postecoglou tới vừa có lần đầu trắng tay từ 2010 và kém Rangers tới 25 điểm.
Một lý do khác, như chính Postecoglou chỉ ra, là chất lượng của các tân binh. Van de Ven, Guglielmo Vicario và James Maddison đều đã thể hiện xuất sắc. Ngoài ra, quan trọng không kém là Tottenham mùa này không dự cúp châu Âu, do đó không phải đá vào giữa tuần, nghĩa là Postecoglou có nhiều thời gian trên sân tập hơn.
Và cuối cùng, chính Postecoglou cũng có những thay đổi lớn. Từ những kinh nghiệm đau thương của quá khứ, ông đã học được cách làm việc với các nhóm cầu thủ khác nhau, và mài giũa được kỹ năng giao tiếp để gửi thông điệp tới thẳng được từng cầu thủ.