[ad_1]
HLV Antonio Conte nổi tiếng là người luôn bộc lộ mọi cảm xúc, dù đó là khi ở trong phòng thay đồ, trên mạng xã hội hay trước truyền thông. Trong khi đó, chẳng ai xa lạ với sự bùng nổ của Jurgen Klopp và màn ăn mừng của Diego Simeone khi Atletico vượt lên dẫn trước 1-0 trước Juventus ở Champions League 2019.
Gordon Strachan kể lại: “Tiếng ồn lớn nhất mà tôi từng nghe thấy là từ phòng thay đồ đội bóng của Antonio Conte. Tôi chưa bao giờ biết tới điều gì như thế trong đời. Ông ta và cả đội ở trong phòng thay đồ. Không có sự bất đồng quan điểm nào xảy ra, chỉ có giọng nói của Conte văng vẳng và thời gian cứ thế trôi”. Đó là khi ĐT Scotland của Strachan đối đầu với Italia của Conte vào năm 2016.
“Tôi thừa nhận đó không phải là một cử chỉ tốt đẹp”, Simeone nói sau khi màn ăn mừng quá khích của ông được lan truyền mạnh mẽ. “Nhưng tôi cảm thấy cần phải làm điều đó. Một trận đấu rất khó khăn…Tôi phải thể hiện những gì tôi cảm thấy. Tôi xin lỗi nếu ai đó cảm thấy bị xúc phạm, nhưng tôi đã làm điều đó từ trái tim”.
Một số người phát cuồng, còn một số khác (bao gồm cả UEFA, nơi đã đưa ra án phạt 20.000 euro đối với Simeone) thì ghét điều đó. Tuy nhiên, ít ai nghi ngờ về niềm đam mê của HLV người Argentina đối với công việc hoặc đội bóng của ông, điều mà những HLV theo trường phái lạnh lùng thường phải nhận.
“Sven-Goran Eriksson đã bị chê bai vì cứ ngồi lỳ trên băng ghế tại World Cup. Mọi người nói rằng ông ta chẳng làm gì cả. Ông ta không đủ nhiệt huyết. Vì thế, cách bạn bộc lộ cảm xúc có thể là lợi thế, hoặc chống lại bạn”, một nhà báo thể thao phân tích.
Vậy chân lý nằm ở đâu? Một HLV nên thể hiện cảm xúc như thế nào? “Không có câu trả lời chính xác cho điều đó.” Brad Friedel, cựu thủ môn và HLV của New England Revolution từ năm 2017-2019 chia sẻ.
“Điều quan trọng là HLV phải cho thấy cá tính của mình, bởi nếu không, các cầu thủ và NHM, CLB, HĐQT sẽ đặt câu hỏi. Bạn cần phải là chính mình. Nhưng nếu HLV luôn tỏ ra tức giận với mọi thứ, trong khi có những trường hợp cần phải cố gắng dừng lại và suy nghĩ trước khi phát ngôn. Nếu không, HLV sẽ bị sa thải ngay.
Conte là một ví dụ hoàn hảo về việc bộc lộ bản thân. Nếu chúng ta thấy ông ta chỉ ngồi một chỗ nghĩa là có gì đó không ổn. Khi Conte hoạt ngôn, nói liên tục trong các cuộc họp báo, thì đó chính là anh ấy. Và dù có thế nào thì Conte cũng luôn tập trung vào công việc. Tôi nghĩ các cầu thủ biết và tôn trọng cá tính của ông ta”.
Cảm xúc cho phép HLV kết nối với mọi người và thay đổi tâm trạng của họ. Đối với một số HLV, học cách làm điều đó là một quá trình mất nhiều thời gian. HLV của Wycombe Wanderers là Gareth Ainsworth đã kể lại sự cố trong sự nghiệp huấn luyện của ông để minh họa.
“Trong một trận đấu, tôi đã cãi vã với một HLV đối thủ và kết thúc bằng một vết thương ở cổ tay – điều đó dạy cho tôi một bài học. Sau đó, tôi bị chuyển đến Crewe Alexandra. Tôi đã nói với ông chủ của mình rằng ông ta đã có một lựa chọn đáng hổ thẹn. Nhưng tôi đã học được nhiều thứ từ những khoảnh khắc đó.
Bây giờ, sau 10 năm, tôi đưa ra thông điệp tới các cầu thủ của mình rằng tôi luôn sẵn sàng vì họ theo những cách khác nhau. Họ biết tôi ở đó vì họ, ngay cả khi tôi không hét vào mặt ông chủ hoặc có hành vi tấn công HLV đối thủ. Cách chứng minh với các học trò của tôi ở những ngày đầu sự nghiệp là sai lầm”.
Cựu HLV Slaven Bilic của West Ham và West Brom đã 2 lần nhận thẻ đỏ trong sự nghiệp cầm quân của mình. “Đầu tiên là trong một trận đấu ở giải VĐQG và trận còn lại là ở cúp châu Âu khi Besiktas của tôi gặp Arsenal. Ngay sau khi nó xảy ra, tôi đã nghĩ: Ôi chết tiệt, mình đã làm gì vậy? Tôi không hối hận nhưng giờ nhìn lại thì đó không phải là một điều gì hay ho. Có lẽ tôi đã thỏa mãn cảm xúc bản thân. Đó không phải là một lựa chọn lý tưởng vì tôi không thể tiếp tục ở bên cạnh các cầu thủ của mình”, Bilic kể.
Nhà tâm lý học Qureshi cho biết: “Khi các cầu thủ gặp áp lực hoặc căng thẳng, họ nhìn vào HLV hoặc những đồng đội xuất sắc nhất, dù chỉ là thoáng qua, và họ nắm bắt cảm xúc từ người đó. Tâm trạng và cảm xúc là thứ dễ lây lan. Vì vậy, chúng ta cần phải cẩn thận trong việc giữ cân bằng cảm xúc cho cả tập thể”.
Strachan thừa nhận ông thường phải vật lộn với điều đó trong hơn 20 năm làm công việc huấn luyện. “Tôi đã dành nhiều thứ Hai để viết thư xin lỗi các trọng tài, HLV đối thủ hoặc các trợ lý để cố gắng giải thích hành động của tôi. Đó là điều nên làm sau khi đã nói những lời không hay với người khác”.
Mối quan hệ của ông với giới truyền thông cũng khó khăn không kém, khi Strachan xoay sở giữa việc sử dụng sự hài hước, châm biếm và đôi khi bất chấp để chiến thắng trong những cuộc khẩu chiến. “Tôi không lấy đó làm tự hào. Không bao giờ tôi ngồi và cười khẩy rồi nghĩ rằng mình đã thật khôn ngoan.
Nhưng tôi biết cuộc phỏng vấn sẽ đi đến đâu và tôi đã từng cố gắng giành lợi thế. Ý của tôi là: Anh đang cố làm cho tôi thấy không thoải mái. Anh đang cố ép tôi nói nhiều về công việc của tôi, các cầu thủ, và những thứ tiêu cực. Vậy tôi sẽ làm cho anh thấy không thoải mái và xem anh phản ứng lại thế nào. Thành thật mà nói, nó giống như một cuộc chiến tay bo. Đôi khi tôi thắng và đôi khi thua”, ông cười lớn.
Phiên bản Strachan gai góc nhất thường xuất hiện sau mỗi trận thua. “Tôi đã từng tham dự một cuộc họp báo và một nữ phóng viên đã rất bực mình vì tôi không quan tâm đến những câu hỏi của cô ấy sau trận đấu giữa West Brom và M’brough. Sau đó, cô ấy nói: HLV của West Brom – Roberto Di Matteo là một quý ông hoàn hảo.
Tôi đáp lại: Đội bóng của ông ta vừa vô địch và được thăng hạng Premier League. Đội của tôi chỉ cán đích thứ Bảy. Tại thời điểm ấy, chúng tôi là hai người khác nhau. Tôi sẽ cười sảng khoái khi đoạt cúp vô địch nhưng khi thất bại thì thật đau đớn. Hãy thấy mình như một con vật trong lồng để mọi người thì nhòm ngó. Không dễ dàng chút nào”.
Sức ép của phương các tiện truyền thông sau trận đấu đôi khi khiến chính các cầu thủ phải gánh chịu sự thất vọng của HLV. Frank Lampard gần đây đã đặt câu hỏi về việc liệu Everton có đang tồn tại “những cầu thủ kém cỏi” hay không sau thất bại ở trận tứ kết FA Cup trước Crystal Palace. Rất giống con đường của Jose Mourinho.
Strachan nói rằng phản ứng tức thời của ông trước những lời chỉ trích của công chúng nhắm về các cầu thủ là tức giận, nhưng đồng thời ông cũng sẽ tự hỏi rằng: “Có khi nào họ đúng?”. Đó là điều mà các cầu thủ của Everton cũng phải tự chất vấn: Frank Lampard có đúng không?
Và chỉ cần nghĩ: “OK, HLV trưởng đã nói như thế với truyền thông. Tôi là một cầu thủ chuyên nghiệp, có một cuộc sống tuyệt vời, thỉnh thoảng bị chỉ trích cũng đâu có gì nghiêm trọng? Nếu bạn nhìn vào số tiền mà Everton đã bỏ ra, tôi nghĩ họ nên nghiêm túc suy ngẫm về màn trình diễn của mình”. Một số cầu thủ có thể cảm thấy được thúc đẩy bởi một lời chỉ trích công khai.
Cựu tiền vệ Joe Cole của Chelsea đã hơn một lần nhận được sự đánh giá cao của Mourinho, và mỗi khi anh cảm thấy thực sự “phát điên lên” vì chơi tệ thì Mourinho lại biết chính xác cần phải làm gì: “Jose biết cách khiến tôi thoải mái để chơi tốt”.
Tuy vậy, không phải cầu thủ nào cũng có thể vui vẻ theo cách đó. Có thể họ mất niềm tin vào HLV hoặc cảm thấy bị bó buộc và không còn duy trì được phong độ nữa. Mặc dù giới bóng đá luôn có cái Tôi rất lớn nhưng nó cũng vô cùng mong manh. Lòng tin của một người có thể bị làm tổn hại một cách rất dễ dàng.
Nếu Cole đúng và Mourinho “biết chính xác những gì anh ấy đang làm” thì có lẽ những hành động công khai của HLV người Bồ Đào Nha không phải lúc nào cũng là phản ứng theo cảm tính mà là một phản ứng có tính toán.
Qureshi nói: “Tôi chắc chắn rằng một số HLV thông minh đã tạo ra các tình huống mà họ chỉ trích một cầu thủ hoặc cả đội để tạo ra phản ứng cụ thể, còn một số người thì bóp cò mà không hề suy nghĩ”. Và một số HLV đã thành công, chẳng hạn như Sir Alex.
Ông ấy đã làm điều đó với một số cầu thủ giỏi nhất thế giới. Nhưng ở thời điểm đó ông ấy cũng có thứ sức mạnh đáng kinh ngạc. Trong khi đó Arsene Wenger không thường xuyên làm được điều tương tự, dù họ là hai trong số những HLV vĩ đại nhất với hai phong cách khác nhau.
Ainsworth kiên quyết rằng việc chỉ trích các cầu thủ của mình trước công chúng là điều mà ông sẽ không bao giờ làm vì ông cũng từng là một cầu thủ. “Điều đó thật kinh khủng đối với tôi. Tôi nghĩ rằng các cầu thủ đã nhận đủ chỉ trích từ những người khác và không cần phải nhận thêm nữa từ người mà họ tin tưởng nhất”.
Qureshi nói, điều quan trọng là các HLV không tập trung vào điểm yếu của các cầu thủ mà tập trung vào điểm mạnh của họ – ngay cả khi chúng đôi khi khó nhìn thấy hơn. “Tôi nghĩ chúng ta cần nêu ra những điểm mạnh nhiều hơn – tập trung vào những gì đã làm tốt. Cần hiểu rằng các cầu thủ chơi hay hơn khi họ hiểu được thế mạnh của mình. Còn hơn là bị mắng mỏ vì những khuyết điểm”.
Ainsworth tin rằng những HLV theo trường phái cảm xúc có thể gặp nhiều may mắn hơn phần còn lại. “Một người như Conte, một người như Simeone và một người như tôi luôn sống chết với những trận đấu. Một số người không dễ xúc động như tôi và họ có quyền chọn cách khác. Còn tôi luôn tự hào với những cảm xúc tự nhiên”.
Tuy nhiên, đó không phải là kim chỉ nam dành cho tất cả các nhà quản lý. Strachan nói. “Tất cả chúng ta đều khác nhau. Không nhất thiết bạn phải luôn tỏ ra tức giận hay gào thét để chứng minh bản thân. Đừng bận tâm nếu bạn không thể làm điều đó. Điều quan trọng là phải luôn giữ cho mình động lực”.
Strachan hiểu rằng bóng đá ngày nay đã thay đổi, ông không tự tin nếu tiếp tục làm HLV bởi ông đã mất đi sự tức giận. “Tôi thấy quá nhiều HLV chỉ làm việc để chứng minh rằng họ vẫn có khả năng huấn luyện. Dừng lại đi, nếu bạn không còn nhiệt huyết thì hãy nhường chỗ cho những người khác”.
Theo Quresi, dù có bất cứ điều gì xảy ra trong đầu của một HLV, họ phải nhận thức được cách họ có thể biểu đạt nó. “Cách bộc lộ cảm xúc không nhất thiết phải là một bức tranh biếm họa. Hãy nghĩ đến những màn sấy tóc của Ferguson hay khi ông ấy đá bay một chiếc giày. Hãy luôn chú ý đến cảm xúc.
Những biểu hiện trên khuôn mặt bạn làm nên câu chuyện ở một thời điểm nào đó. Cầu thủ nhận thấy những biểu lộ tinh tế như vậy rõ ràng hơn bao giờ hết. Vì vậy, có lẽ chúng ta cần nhận thức rõ hơn về việc trí tuệ – xúc cảm có thể làm nên khác biệt giữa người thua cuộc và kẻ chiến thắng”.