[ad_1]
Khi Gundogan gia nhập Barca ở mùa hè 2023, đã có những hoài nghi về bản hợp đồng của anh: một cầu thủ 33 tuổi đến với bản hợp đồng có thời hạn 3 năm, với mức lương hàng năm được báo cáo là 9 triệu euro sau thuế. Thời gian sẽ trả lời liệu khoản đầu tư đó có tốt hay không, nhưng 8 tháng sau, câu trả lời đã rõ ràng.
Gundogan đã thực hiện 10 pha kiến tạo (nhiều nhất đội) và ghi 5 bàn sau 38 trận trên mọi đấu trường. Anh là cầu thủ được Xavi sử dụng nhiều nhất (hơn 3.000 phút trên sân) và hiệu quả nhất. Không có tiền vệ Barca nào sánh được với chất lượng màn trình diễn của anh.
Khát vọng thành công của Gundogan vẫn không hề suy giảm và sự linh hoạt của anh đã giúp giải quyết một số vấn đề chiến thuật lớn nhất của đội. Nó làm cho cột mốc cuối tuần này trở nên ấn tượng hơn. Hãy bắt đầu bằng cách mổ xẻ những số liệu thống kê.
Tổng số 100 cơ hội mà Gundogan tạo ra trên mọi đấu trường phải phù hợp với bối cảnh. Đầu tiên, anh nằm trong một đội tham gia một giải đấu ở châu Âu, vì vậy đã được đá nhiều trận hơn những đội khác. Anh cũng là người thực hiện các tình huống phạt cố định chính của Barca.
Trong số 100 cơ hội đó, 30 cơ hội đến từ những tình huống cố định – nhưng ngay cả khi đó, tổng số 70 cơ hội trong tình huống mở của anh chỉ kém Phil Foden của Man City (72).
Nếu chỉ tính ở La Liga, Isco là xếp ngay sau Gundogan về chỉ số tạo cơ hội, mặc dù tiền vệ của Real Betis vừa dính chấn thương gân kheo và có thể phải nghỉ trong phần còn lại của mùa giải. Ngoài ra, trong Top 10 Tây Ban Nha còn có Toni Kroos, Alex Baena, Ivan Rakitic, Iago Aspas và Takefusa Kubo – đều là những cầu thủ thường xuyên thực hiện các tình huống cố định.
Nếu chúng ta tập trung vào những cơ hội được tạo ra từ lối chơi cởi mở, kỷ lục của Gundogan còn chắc chắn hơn. Jude Bellingham của Real Madrid là đối thủ tiệm cận nhất (58 cơ hội từ tình huống mở). Khi so sánh Gundogan với các đồng đội, khả năng sáng tạo càng trở nên rõ ràng hơn. Hậu vệ cánh Joao Cancelo đứng thứ hai với 37 cơ hội.
Như đã đề cập, Gundogan là người chơi nhiều phút nhất trong đội hình Barca, nhưng điều đó chắc chắn không đủ lý do để anh vượt lên dẫn trước. Về bối cảnh, trung bình anh tạo ra 3 cơ hội mỗi 90 phút, trong khi Cancelo tạo ra 1,5 cơ hội mỗi 90 phút. Raphinha cũng tạo ra 2,8 cơ hội mỗi 90 phút.
Những con số này đã nhanh chóng khiến HLV yên tâm. “Khi Gundogan có bóng, mọi thứ trở nên tốt hơn”, Xavi nói sau chiến thắng 5-0 trước Royal Antwerp ở Champions League hồi tháng 9. “Cậu ta làm tốt mọi thứ. Nếu Barca chơi tốt đấy là nhờ những người như Gundogan. Thành thật mà nói, vụ chiêu mộ này đúng là trời ban”.
Trước chiến thắng Getafe, Xavi đã có thêm những lời khen ngợi. “Gundogan có thể tạo ra sự khác biệt ở vị trí tiền vệ lùi cũng như ở giữa các tuyến. Anh ấy có thể làm điều đó ở bất cứ đâu. Gundogan đang có một mùa giải xuất sắc về số lượng tạo cơ hội”.
Sự linh hoạt của Gundogan là một điểm tích cực lớn cho Barca trong mùa giải này nhưng việc họ dựa quá nhiều vào điều đó cũng bộc lộ những điểm yếu của đội bóng. Xavi đã lên kế hoạch sử dụng Gundogan chủ yếu như một nguồn sáng tạo khác ở 1/3 cuối sân. Ông tin rằng Pedri, 21 tuổi, người đã phải vật lộn với chấn thương trong những mùa giải liên tiếp, cần một người hỗ trợ.
Nhưng trong số 23 trận ra sân ở La Liga mùa này của Gundogan, chỉ có 12 trận vào sân ở vị trí tiền vệ tấn công. Thay vào đó, anh cảm thấy mình cần phải đá lùi hơn.
Vào mùa hè, Xavi dự định sử dụng Oriol Romeu làm người thay thế Sergio Busquets trong vai trò mỏ neo – một ý tưởng rất khó thực hiện. Bất chấp những dấu hiệu đầy hứa hẹn ở giai đoạn tiền mùa giải, màn trình diễn của Romeu nhanh chóng biến anh thành gánh nặng trong mắt Xavi.
Cơn đau đầu cuối cùng đối với HLV đến sau màn trình diễn vào tháng 9 trước Porto ở Champions League và Mallorca ở La Liga. Cả hai đối thủ đều được hưởng lợi từ việc gây áp lực lên Romeu. Đó là lúc Xavi quyết định bố trí Gundogan vào vị trí phòng ngự chặt chẽ hơn, còn Romeu mất vị trí.
Đó không phải là một vị trí mới đối với Gundogan bởi anh đã chơi ở vị trí đó tại Man City, nhưng đó không phải là nơi Barca cần anh nhất. Một lần nữa, Barca không đạt được những gì họ đang tìm kiếm ở 1/3 cuối sân, khiến Xavi nảy ra ý tưởng biến trung vệ Andreas Christensen thành tiền vệ trụ, và Gundogan được trở lại đá vị trí sở trường ở khu vực cao hơn.
Christensen có phù hợp lý tưởng không? Có thể là không. Nhưng liệu đây có phải là cái giá hợp lý phải trả để đưa Gundogan chơi gần vòng 16m50 hơn? Đó chính là kế hoạch thi đấu của Xavi trong 5 trận đấu vừa qua.
Dù đá chính gần nửa số trận mùa này ở vị trí tiền vệ phòng ngự nhưng chưa ai trong đội hình Barca hoàn thành nhiều hơn 49 đường chuyền vào vòng cấm đối phương của Gundogan. Lamine Yamal có 47 đường chuyền, trong khi Frenkie de Jong và Cancelo cùng có 33 đường chuyền.
Tuy nhiên, không chỉ khả năng chuyền bóng và khả năng sáng tạo của Gundogan đã khiến Xavi phải suy nghĩ lại về đội hình của mình, mà còn là kỹ năng đột phá vòng cấm của anh. Không cầu thủ Barca nào thực hiện những pha hành động này tốt hơn Gundogan.
Trong trận lượt đi ở vòng 16 đội Champions League gặp Napoli, Xavi đã điều chỉnh hệ thống của mình để tận dụng tối đa Gundogan, để anh chơi ở vị trí số 10 trong sơ đồ 4-2-3-1, trong đó Pedri ở một vai trò xa lạ như một cầu thủ chạy cánh trái giả. Gundogan là một trong những cầu thủ chơi hay nhất trên sân ở trận hòa 1-1 hôm 21/2.
Gundogan muốn trở thành thủ lĩnh ở Barca giống như cách anh từng làm ở Man City. Anh không phải là thành viên có tiếng nói nhất trong phòng thay đồ, nhưng đạo đức và các tiêu chuẩn anh đặt ra trên sân đã nói lên tất cả.