[ad_1]
Trước Iraq, Indonesia sử dụng 5/7 cầu thủ có dòng máu ngoại hiện có để làm đội hình xuất phát trong sơ đồ 3-4-3 và có thể linh động chuyển thành 5-4-1. 5 cầu thủ này gồm trung vệ lệch trái Baggott, trung vệ giữa Jordi Amat, hai tiền vệ trung tâm Justin Hubner, Ivar Jenner và tiền đạo cắm Rafael Struick. Lực lượng còn lại gồm trung vệ lệch phải Rizky Ridho, cánh trái Pratama Arhan, cánh phải Asnawi Mangkualam và 2 tiền đạo cánh gồm Yakob Sayuri (phải) và Marselino Ferdinan (trái). Đây cũng là đội hình được HLV Shin Tae Yong thử nghiệm ở trận giao hữu lượt về với Libya (1-2) và trận gặp Iran (0-5), ngoại trừ Witan đá chính thay Asnawi Mangkualam.
Ở đội hình trên, Indonesia có 8 cầu thủ có tuổi từ 22 trở xuống. Cụ thể, Ernando Ari (21 tuổi), Pratama Arhan (22 tuổi), Elkan Baggott (21 tuổi), Rizky Ridho (22 tuổi), Marselino Ferdinan (19 tuổi), Justin Hubner (20 tuổi), Ivar Jenner (20 tuổi) và Rafael Struick (20 tuổi). Trên phương diện này, kinh nghiệm và bản lĩnh trận mạc là yếu tố mà Indonesia đang thiếu trầm trọng. Điều này cũng đã được HLV Shin Tae Yong thừa nhận sau thất bại 1-3 trước Iraq vừa qua. Một đội quân trẻ nhưng Indonesia thiếu đi một cầu thủ có khả năng lĩnh xướng về tinh thần và chuyên môn. Asnawi Mangkualam được giao chiếc băng đội trưởng nhưng tiền vệ cánh này không thể hiện được vai trò của một thủ lĩnh. Ở hiệp 2, Asnawi Mangkualam bị chấn thương phải rời sân, khiến Indonesia như… rắn mất đầu.
Có lẽ, việc sử dụng quá nhiều cầu thủ trẻ, chưa có nhiều kinh nghiệm thi đấu nên Indonesia chơi rời rạc, thiếu kết dính. Cần biết rằng các cầu thủ có 2 dòng máu trong đội hình của đội bóng xứ Vạn đảo chủ yếu thi đấu ở nước ngoài và chỉ tập trung với đội một thời gian ngắn trước khi giải đấu diễn ra. Mọi thứ đều mới mẻ, họ chưa hiểu đồng đội, chưa thể lĩnh hội được nhiều ý tưởng chiến thuật của HLV Shin Tae Yong nên Indonesia thi đấu khá rời rạc, thiếu kết dính và thiếu tổ chức cũng là điều dễ hiểu.
Xem Indonesia thi đấu, họ lộ khá nhiều khoảng trống để Iraq dễ dàng phối hợp từ giữa sân và cũng dễ dàng đánh bại hàng phòng ngự vốn thiếu bọc lót cho nhau. Đây là điểm mà các tiền vệ cũng như tiền đạo ĐT Việt Nam chắc chắn phải chú ý để khai thác. Một thế trận tốt để tạo áp lực mạnh mẽ được coi là chìa khóa để đoàn quân ông Troussier mở đường vào khung thành Indonesia.
Điểm sáng của Indonesia là có sự đột biến trong khâu tấn công. Tiền vệ Ivar Jenner được đánh giá là người “chia bài” tốt. Bàn gỡ trước Iraq xuất phát từ đường chuyền của cầu thủ gốc Hà Lan này. Ở trận giao hữu với Libya (1-2), Ivar Jenner là người châm ngòi để đồng đội ghi bàn. Ngoài ra, tiền vệ trái Pratama Arhan và đặc biệt 2 tiền đạo cánh Yakob Sayuri và Marselino Ferdinan di chuyển hợp lý, tốc độ và xử lý bóng tốt nên có những tình huống hãm thành nguy hiểm. Bộ đôi này đã có pha xử lý và phối hợp để quân bình tỷ số 1-1 cho Indonesia và được chấm điểm cao nhất bên phía đội bóng xứ Vạn đảo. Các hậu vệ của ĐT Việt Nam phải hết sức lưu ý bộ ba trên.
Indonesia thể hiện không hay nhưng cũng cần lưu ý rằng Iraq là đội đẳng cấp cao hơn hẳn nên có thể dễ dàng khiến đoàn quân của ông Shin Tae Yong lộ ra những điểm yếu. Vẫn ở thế cửa trên nhưng ĐT Việt Nam không quá vượt trội so với Indonesia. Khi gặp một đối thủ không quá chênh lệch về chuyên môn, đội bóng xứ Vạn đảo có thể sẽ thể hiện một hình ảnh giàu sức chiến đấu hơn, tổ chức trận đấu hợp lý hơn. Vì thế, đoàn quân của ông Troussier phải hết sức tập trung, tôn trọng đối thủ đúng mực mới có thể phát huy hết khả năng và hy vọng giành được chiến thắng.