[ad_1]
Số tiền Fulham bỏ ra bằng 1/3 tổng chi của Man City, một thực tế đầy phũ phàng nếu ai đó chợt nhớ ra trong 12 năm đấy, Fulham đã 3 lần xuống hạng, dành đúng phân nửa thời gian (6 năm) chơi ở Championship. Chắc không ai quên được mùa hè lịch sử 2018, khi Fulham vừa thăng hạng và đưa về Craven Cottage 15 tân binh (chưa kể 3 cầu thủ trong kỳ chuyển nhượng mùa Đông), với tổng giá trị lên tới 140 triệu bảng.
9 tháng sau, họ xuống hạng, rồi lại thăng hạng ngay sau một mùa giải. Tới mùa hè 2020, Fulham “đổi” chiến lược. Họ chi 65 triệu bảng, và dành phần tiền còn lại cho việc… đi mượn cầu thủ và trả lương cao. Gọi là thay đổi, nhưng thực tế chiến lược đó chỉ đơn thuần là bình mới rượu cũ và một lần nữa, sau một chiến dịch Premier League ngắn ngủi, họ lại trở về Championship.
Có tiền, có quyền tiêu tiền nhưng không có kết quả, Fulham coi như đã bỏ ra hơn 200 triệu bảng – bằng với số tiền bản quyền truyền hình họ kiếm được nhờ quyền thăng hạng – làm học phí. Marco Silva tới, xây dựng lại chiến lược và trên tất cả, là làm lại hệ thống chiến lược đường dài, Fulham mới có thể xây dựng vị trí vững chắc như thời điểm này.
Cái đau đớn của Fulham trong khoảng thời gian dài nằm ở chỗ, việc họ tiêu nhiều tiền sau mỗi lần lên hạng không hề sai theo quy chuẩn đám đông. Thực tế chỉ ra, chỉ 5/68 CLB thăng hạng tiêu số tiền nhiều hơn 46 triệu bảng kể từ khi Premier League ra đời với thương hiệu mới phải xuống hạng và Fulham nằm trong số này. Nếu không tiêu tiền sẽ không thể tồn tại ở Premier League nhưng khi tiêu quá nhiều vẫn thất bại, người tiêu tiền phải xem lại “phương pháp tiêu tiền”.
Coi Man City là hệ quy chiếu cho bài học tiêu tiền của Fulham nhưng việc đó không có nghĩa là, Man City đã tiêu tiền đúng. Không ai tiêu 1 tỷ bảng chỉ để đổi lấy quyền lực tuyệt đối tại Premier League, cũng không ai tiêu 1 tỷ bảng để rồi vào tháng 3 & 4 hàng năm lại hát bài ca “gục ngã” và bị giới elite coi là “thiếu gia”, là “trọc phú” tại Champions League.
Tất nhiên, Man City hay, Pep Guardiola hay nhưng kỳ vọng của giới chủ Arrab là nâng tầm cái hay đấy. Trong 6 năm qua khi Fulham tiêu tiền và vật vã tìm đường ở lại Premier League, Man City cũng tiêu tiền, và cũng vô cùng vật vã giải bài toán vô địch Champions League. Đã có lúc, Pep tiêu tới nửa tỷ bảng chỉ để nâng cấp trung vệ, với ý nghĩ nếu muốn vô địch Champions League, Man City phải phòng ngự tốt hơn.
Nhưng thực tế, ông đã nhầm. Với bất kỳ hàng thủ nào, Man City cũng hiếm khi thua bàn vì tuyến giữa của họ đâu cho phép đối phương chạm vào bóng mà triển khai tấn công. Thứ Man City kiếm tìm, nhẽ ra, phải là một số 9 đích thực, người biết chuyển hoá cơ hội thành bàn thắng ở tỷ suất cao nhất.
Biết muộn nhưng vẫn còn hơn không, 5 tháng trước, Pep quyết tâm giành chữ ký Erling Haaland bằng mọi giá để giải quyết tận gốc vấn đề nội tại. Nói Man City cũng cần học tiêu tiền là vì thế, bởi họ có thể tiết kiệm vài trăm triệu bảng nếu Pep giác ngộ sớm hơn.