[ad_1]
Nội chiến người hâm mộ & chủ sở hữu
Ngay từ những ngày đầu tiên gia đình nhà Glazer tiếp quản MU, các fan Quỷ đỏ đã nảy sinh sự ngờ vực sâu sắc. Bằng chứng là khi Joel và Avram Glazer trực tiếp tham dự trận đấu đầu tiên của MU tại Old Trafford sau thời điểm Malcolm hoàn tất việc mua lại CLB năm 2005, họ đã được chào đón bằng những tiếng hô vang “Chết đi, Glazer, chết đi!” từ đông đảo người hâm mộ.
Liverpool hiểu tất cả tác động bất lợi của cuộc nội chiến giữa người hâm mộ và chủ sở hữu. Đã có những cuộc biểu tình gay gắt từ fan Liverpool chống lại George Gillett và Tom Hicks – những người giống nhà Glazer – đã đổ nợ lên CLB. Trước sức ép như vậy, Gillett và Hicks đã buộc phải bán The Reds cho Fenway Sports Group (FSG) vào năm 2010. FSG không được mọi người yêu mến, nhưng họ chắc chắn được đánh giá cao hơn nhà Glazer. Cho đến nay, những biểu ngữ “Glazers out” vẫn thường xuyên xuất hiện ở Old Trafford, cho thấy sự bất mãn trong nội bộ MU vẫn chưa có hồi kết.
Bỏ lỡ Jurgen Klopp
Vai trò của HLV trưởng có thể bị thổi phồng quá mức. Rất ít cá nhân tự hào về tầm ảnh hưởng rõ ràng đối với một tổ chức lớn như một CLB bóng đá, song tính cách mạnh mẽ và thành tích xuất sắc của Klopp dấy lên câu hỏi đắt giá: Điều gì có thể xảy ra nếu Man United, chứ không phải Liverpool, giành chiến thắng trong cuộc chiến giành chữ ký của nhà cầm quân người Đức năm xưa?
Klopp tiết lộ rằng Sir Alex Ferguson đã chọn ông làm người kế nhiệm tiềm năng tại MU năm 2013, nhưng cựu thuyền trưởng Dortmund đã cam kết ở lại Bundesliga. Hai năm sau đó, Liverpool nhảy vào, bổ nhiệm Klopp làm người đứng đầu một đại dự án. Và sau thất bại 0-4 của MU trước Liverpool tại Anfield hồi tháng 4/2022, HLV tạm quyền Ralf Rangnick đã thẳng thắn cho rằng việc Liverpool bổ nhiệm Klopp đã “giúp Liverpool đi trước MU 6 năm”. Giờ đây khi đánh giá, con số này có lẽ còn nhiều hơn thế.
Ed Woodward kém xa Michael Edwards
Không có gì ngạc nhiên khi Man United đã bỏ lỡ Klopp cũng như một loạt mục tiêu chuyển nhượng chất lượng trong quãng thời gian dài, với đầu tàu là Ed Woodward. Cựu nhân viên ngân hàng đầu tư JP Morgan không có kiến thức nền tảng về bóng đá, nhưng lại có khả năng đánh hơi các mối quan hệ thương mại béo bở. Trong khi Woodward quay cuồng với các hoạt động thương mại, thì Michael Edwards đã xây dựng cho Liverpool bộ phận tuyển dụng tiên tiến mà Quỷ đỏ chỉ có thể mơ ước.
Edwards đã dành 11 năm làm việc tại Liverpool, kết hợp với giám đốc nghiên cứu là tiến sĩ Ian Graham để tạo ra một phương pháp tiếp cận dựa trên dữ liệu, nhằm phát hiện những cầu thủ giỏi bị định giá thấp, đồng thời tránh những phi vụ được định giá quá cao. Cái kết thì ai cũng rõ khi MU đưa về hàng loạt bản hợp đồng hớ nặng đã đi vào giai thoại của CLB như Alexis Sanchez, Angel Di Maria hay Paul Pogba.
Nỗi ám ảnh về các ngôi sao lớn
Khi MU chọn được một mục tiêu thì đó thường là mục tiêu sai lầm. Việc CLB lao dốc không phải do thiếu ngân sách. Thực tế, không CLB nào trên hành tinh có thể bì được với mức chi tiêu ròng 1,1 tỷ bảng của Quỷ đỏ trong thập kỷ qua. MU chính xác đã “đốt” tiền. Phần lớn số tiền khổng lồ mà Quỷ đỏ chi tiêu được vung vào những cầu thủ có tên tuổi lớn và tương lai ngắn hạn.
Radamel Falcao và Zlatan Ibrahimovic được hưởng với mức lương ngất ngưởng bất chấp đã quá thời kỳ đỉnh cao của họ từ lâu, trong khi Sanchez chưa bao giờ phô diễn phong độ chói sáng như lúc khoác áo Arsenal. Hè 2021, MU đưa Cristiano Ronaldo trở lại, song ngay đến một fan ruột của Quỷ đỏ là Ole Gunnar Solskjaer cũng thừa nhận rằng quyết định vội vàng là một sai lầm.
Trong cùng quãng thời gian, Liverpool bắt tay vào cách tiếp cận hoàn toàn ngược lại. Tháng 1/2018, Edwards đã giúp Liverpool thu về 142 triệu bảng khi bán Philippe Coutinho cho Barca. Sau đó, ông đã dùng số tiền này chiêu mộ trung vệ Virgil van Dijk của Southampton và thủ thành Alisson Becker của Roma. Giờ đây, phần còn lại là lịch sử.
Thương mại hóa là trên hết
Louis van Gaal đã cố gắng cảnh báo Erik ten Hag đừng nên gia nhập Old Trafford vào Hè 2022: “Manchester United là một CLB thương mại, vì vậy đó là một lựa chọn khó khăn đối với một HLV. Tốt hơn là ông ấy nên đến một CLB bóng đá đúng nghĩa”. Giới chủ Liverpool cũng quan tâm đến thương mại, song họ nhận ra thành công trên sân cỏ có thể dẫn đến lợi nhuận tăng vọt.
Ngay cả khi ưu tiên tỷ suất lợi nhuận ở khâu làm ăn thương mại, Quỷ đỏ vẫn tụt lại phía sau Liverpool về khoản này. Doanh thu thương mại của MU tăng 37% từ năm 2014 đến năm 2022, trong khi Liverpool tăng 124% cùng kỳ. Trước khi nhà Glazer tiếp quản năm 2005, Man United được công ty kiểm toán danh tiếng Deloitte xếp hạng là CLB bóng đá có giá trị nhất thế giới. Họ đã rơi xuống vị trí thứ 5 vào năm 2024.