[ad_1]
Nếu MU biết hy sinh và tin tưởng, thì khi Ten Hag thành công và tạo ra một lối chơi quyến rũ, lúc đó tự khắc các ngôi sao tìm về, chứ không phải khốn khổ đi theo đuổi, bỏ trứng vào một giỏ như thế này nữa.
Trong giới tài chính, chứng khoán, những người kinh doanh nói chung đều nằm lòng một nguyên tắc: “Không nên bỏ hết trứng vào cùng một giỏ”, hàm ý đừng đầu tư tất cả tiền mình có vào trong một loại hình đầu tư duy nhất. Ngược lại nếu đa dạng hóa danh mục đầu tư thì sẽ giảm thiểu các rủi ro, đồng thời tạo ra dòng sinh lời có tính đầu tư dài hạn.
Tuy nhiên, Man United lại đang phạm vào nguyên tắc trên khi đặt cược hết thành công của dự án Erik ten Hag vào một kế hoạch duy nhất, mục tiêu duy nhất là chiêu mộ cho bằng được Frenkie de Jong. Thương vụ này càng lúc càng khó lường. Cả ba bên đều nắm những thuận lợi và những bất lợi riêng. Man United có lợi thế về tiền bạc, nhưng bất lợi vì không khiến De Jong an tâm về hệ thống. Barcelona có lợi thế về lối chơi, nhưng khó khăn trong tiền bạc. Còn cá nhân De Jong thì sao? Anh không thích MU, chỉ thích ở lại Barca nhưng lại ghét cái cách Chủ tịch Joan Laporta và bộ sậu tìm cách đẩy anh đi vì nợ 20 triệu tiền lương. Tóm lại là một mối tình tay ba lộn xộn. Không chỉ liên quan đến tiền, mà còn dính dáng đến tình. Và những thương vụ kiểu này dễ xảy ra chuyện “ai về nhà nấy”. Người thiệt hại cuối cùng chính là Man United – nhân vật đang bỏ hết trứng vào một giỏ.
Hãy nhớ Man United đang thiếu và yếu ở vị trí tiền vệ trung tâm. Scott McTominay chưa đủ trình cáng đáng, Fred không phù hợp, còn Nemanja Matic và Paul Pogba đã ra đi. Những mục tiêu của MU theo đuổi cũng rất lắm chuyện. Declan Rice được MU để ý từ trong mùa giải 2021/22, kết quả luôn nghe West Ham hét giá. Lần này kinh nghiệm vì nhiều lần “mua hớ” các bản hợp đồng “overrated” quốc tịch Anh đủ dày nên MU bỏ cuộc. Nhưng nếu không mua được De Jong thì có khi lại như câu ca dao: “Buổi chợ đang đông, con cá hồng anh chê lạt/Buổi chợ tan rồi, con tép bạc anh cũng khen ngon”. Lúc đó, MU lại hối hả quay lại với Declan Rice vì đã đến ngày cuối của thị trường chuyển nhượng, và phải cắn răng bỏ ra 100-150 triệu bảng cho cái tên này.
Nghe quen quen đúng không? Phải, là cách MU đã mua Marouane Fellaini ở mùa hè năm 2013, mùa hè David Moyes mới đến Old Trafford. Bây giờ, ta đang thấy MU lặp lại vết xe đổ cũ. Có gì để ngăn cản MU đi theo vết xe đổ này không? Có, nhưng rất khó. HLV Erik ten Hag là một người có triết lý rõ ràng, trưởng thành từ lò Ajax, nên ông sẽ đòi hỏi một cách xây dựng có lộ trình, thay đổi tư duy chơi bóng của các cầu thủ theo hướng từ từ. Nhưng bộ máy của Manchester United không cho các HLV lòng kiên nhẫn, văn hóa đại chúng quá vội vã trong đánh giá. Nếu MU biết hy sinh và tin tưởng, thì khi Ten Hag thành công và tạo ra một lối chơi quyến rũ, lúc đó tự khắc các ngôi sao tìm về, chứ không phải khốn khổ đi theo đuổi, bỏ trứng vào một giỏ như thế này nữa.