[ad_1]
Erik ten Hag đã ký hợp đồng là tin vui hiếm hoi trong những ngày này với MU. Vấn đề là chiến lược gia người Hà Lan sẽ nhận lại những gì từ tay Ralf Rangnick? Một suất dự Champions League, Europa League hay Europa Conference League? Mọi thứ sẽ được quyết định phần nào sau trận đại chiến với Arsenal vào tối nay.
Nhưng tệ hơn cả, Rangnick đang để lại cho Ten Hag một đội bóng mất hết kết cấu và tư duy chơi bóng như bình thường. Đến dồn quân chơi tử thủ, với mong muốn kiếm 1 điểm thôi mà Rangnick còn thất bại thảm hại. Là do năng lực của ông thầy người Đức hay năng lực của các cầu thủ?
Chẳng ai có thể trả lời được chính xác câu hỏi này, nhưng việc MU không biết phòng ngự là sự thật. Trước Liverpool, Rangnick bất ngờ chuyển đội hình về hệ thống 3 trung vệ. Thực tế thì nếu muốn phòng ngự, 3 trung vệ rất hợp lý, nhưng không phải là với tổ hợp Maguire, Lindelof và Phil Jones – cầu thủ mới có lần thứ 2 đá chính tại Ngoại hạng Anh mùa này.
Hệ thống 3 trung vệ nói riêng, và phòng ngự nói chung đòi hỏi tính liên kết giữa các thành viên. Họ không chỉ phải sở hữu kỹ năng cá nhân tốt, mà còn phải phối hợp linh hoạt với đồng đội.
Trước Liverpool, đó là màn thể hiện thảm hại. Hàng thủ số đông của MU trông như những học sinh tiểu học đối đầu với một đội bóng đại học. Từ cự ly đội hình, kết cấu hình khối đến ý thức về không gian, MU không được một điểm gì. Các khoảng trống lộ ra quá nhiều, với ví dụ điển hình là ở bàn thua đầu tiên ngay phút thứ 5.
Chỉ với một đường bóng dài của Liverpool, lớp đánh chặn của MU tan nát. Đây thực tế là hệ quả của việc pressing không hiệu quả, dẫn tới chuyển đổi trạng thái không kịp. Nhìn vào bức ảnh trên, có thể thấy Wan-Bissaka vẫn đang theo kèm “không khí”, trong khi Dalot bị 2 cầu thủ của Liverpool vượt qua. Maguire đứng sai vị rí, bỏ lại Jones cô đơn.
Nói không quá, MU bây giờ còn tệ hơn cả trước lúc Rangnick nắm quyền. Có thể lý thuyết về pressing của Rangnick không sai, nhưng cách truyền đạt có vấn đề, hoặc các học trò hiểu sang một thứ khác hoàn toàn. Không thể có chuyện một đội bóng tham vọng dự Champions League mùa sau lại phòng ngự như Quỷ đỏ đang làm trong những tuần qua được.
MU cực tệ trong việc thu hẹp các khoảng trống, trong khi Arsenal lại là chuyên gia mở ra khoảng trống. Nếu MU còn tiếp tục chơi pressing tầm cao “cẩu thả” như trước Liverpool, họ sẽ trả giá nặng trước Arsenal.
Đến một đội pressing hay như Chelsea cũng đã bất lực trước cách xây dựng bóng vô cùng bài bản của Pháo thủ. Từ cách di chuyển sang ngang của trung vệ, hậu vệ để mở rộng đội hình, đến việc các tiền vệ lùi xuống nhận bóng, mọi thứ đều được Arsenal thực hiện rất nhịp nhàng. Đúng như lời hứa của Arteta, khi có đủ thời gian, Arsenal chơi bóng nhỏ không khác gì Man City.
Với khả năng thoát bóng từ tuyến dưới, các cầu thủ tấn công của Arsenal được giải phóng và di chuyển đến các vị trí trọng yếu ở phần sân đối phương. Hộ công như Odegaard hưởng lợi rõ nhất, khi phát huy tối đa sở trường tăng tốc và chạy vào khoảng trống trong đội hình xô lệch của đối phương.
Trong trận đấu với Chelsea, bản đồ nhiệt cho thấy Odegaard thường xuyên nhận bóng ở phần sân của Chelsea, từ đó phát huy được những phẩm chất sáng tạo của mình.
Kể cả khi MU chơi với 2 tiền vệ trụ như trước Liverpool, hay bộ ba như trước Norwich, việc thiếu quyết liệt trong khu vực này dẫn tới giảm hiệu quả trong ngăn chặn các đường chuyền xuyên tuyến.
Arsenal không sở hữu các mũi nhọn đáng sợ như Liverpool nhưng việc chạy lòng vòng và kéo lệch hàng thủ MU thì họ thừa sức. Để rồi khi bóng đến chân Odegaard, các đường chuyền đột biến sẽ được tung ra, đặt Saka hay Smith Rowe vào vị trí thuận lợi để dứt điểm hoặc vào thế 1 đối 1.
Và như đã biết, lấy số đông để bù cho chất lượng, MU còn không phòng ngự ra gì, thì 1 đối 1 chẳng khác nào cầm chắc thất bại. Cửa thắng của Quỷ đỏ trong trận này? Có lẽ lại chỉ dựa vào Ronaldo và may mắn thôi!