[ad_1]
Tận dụng thất bại của Man City, Tottenham đã vươn lên dẫn đầu BXH và nhờ việc giải tạm nghỉ nhường chỗ cho FIFA Days, Spurs sẽ vượt mốc 1.000 ngày trên đỉnh vào 20/10 tới. Thế nhưng liệu Tottenham có giữ được vị trí này cho đến cuối mùa, khi mà mùa giải gần nhất mà họ đăng quang đã cách đây hơn một đời người (1960/61)? Cùng tìm hiểu nguyên nhân và những thay đổi gì đã giúp Gà trống có được vị thế hiện tại.
Chiến thuật rủi ro cao
Dưới thời của các HLV trước như Mourinho, Nuno Santo hay Conte, Tottenham ưu tiên lối chơi phòng ngự phản công. Nhưng những đội bóng với lối chơi thận trọng này không vô địch Premier League trong hơn nửa thập kỷ qua.
Ngược lại, những nhà vô địch là những đội áp đặt được lối chơi qua việc kiểm soát bóng, đẩy lùi đối phương về phần sân nhà và quyết định nhịp độ trận đấu. Những mặt này, Spurs có những bước tiến đáng kể thời Postecoglou.
Trong 8 trận mùa trước, Tottenham kiểm soát bóng trung bình 48%, thực hiện 3.139 đường chuyền. Năm nay, họ tăng tỷ lệ kiểm soát bóng lên 61% và có hơn 4.000 đường chuyền. Đội hình dù chủ yếu là những gương mặt cũ, song phong cách chơi bóng đã hoàn toàn khác.
Tottenham sút nhiều hơn (153 so với 115) và phải cản phá ít hơn (104 so với 127).
Dĩ nhiên, đổi lại là rủi ro khi số cơ hội nguy hiểm mà Spurs phải chịu cũng tăng lên. Mùa này họ lọt lưới 8 bàn, khi số bàn thua ước tính là 11. Thời điểm này mùa trước, số bàn thua ước tính chỉ là 10.
Điều quan trọng là Tottenham tìm được sự cân bằng phù hợp cho phong cách chơi “liều ăn nhiều” và đến giờ họ thành công trong việc này.
Chất lượng của đối thủ
Fan bi quan của Spurs chỉ ra việc họ đã đấu với 4 đội yếu nhất là Sheffield (hiện đứng thứ 20), Bournemouth (19), Burnley (18) cùng Luton Town (17) và thắng cả 4 trận này. Vị trí trung bình của các đối thủ mà họ đã gặp cho đến giờ 13.
So sánh với các đối thủ trong Top 4, Spurs đã đá những trận đấu dễ dàng nhất. Vị trí trung bình của các đối thủ mà Liverpool chạm trán là 9, trong khi của Arsenal là 10 và Man City là 12.
Nhưng Tottenham cũng đã chơi rất tốt trước các đối thủ có thứ hạng cao. Họ hạ MU trong tháng 8, kiếm được trận hòa quý giá trên sân Arsenal, và đánh bại Liverpool trên sân nhà ở trận cầu tranh cãi.
Từ cuối tháng 11 đến đầu tháng 12, họ có lịch đấu “xương xẩu” với Aston Villa, Man City, West Ham và Newcastle. Kết quả những trận này sẽ cho thấy họ có đủ mạnh cho cuộc đua vô địch hay không.
Tân binh hòa nhập nhanh
Các bản hợp đồng mới thích nghi nhanh tại Tottenham. Đáng kể nhất là Maddison từ Leicester, qua 9 trận đã có 2 bàn thắng và 5 kiến tạo.
Ở hàng thủ, trung vệ Van de Ven tạo được ảnh hưởng lớn. Anh ghi bàn ở thắng lợi mới nhất trước Luton Town và cho thấy đủ khả năng đương đầu với lối chơi ở cường độ cao ở Ngoại hạng. Ở cánh trái, Destiny Udogie là một trong những phát hiện của mùa giải.
Người ta cũng cho rằng Tottenham được lợi khi không dự Cúp châu Âu. Postecoglou có hẳn 1 tuần để chuẩn bị các trận đấu và tân binh có nhiều thời gian hơn tập luyện cùng nhau, trong khi các đối thủ phải căng sức ở nhiều mặt trận.
Tottenham đang thi đấu với vị thế “ông lớn” lần đầu sau nhiều năm, nhưng vẫn còn đó những dấu hỏi về chiều sâu đội hình hay những đối thủ mà họ đã chạm mặt. Vẫn còn quá sớm để nói về khả năng đua vô địch, nhưng rõ ràng họ đã có những thay đổi tích cực không thể phủ nhận thời của Postecoglou.
Top CLB xếp đầu bảng Ngoại hạng Anh lâu nhất
1. MU 4.486 ngày
2. Liverpool 4.038
3. Arsenal 3.075
4. Everton 2.123
5. Chelsea 1.861
6. Aston Villa 1.573
7. Man City 1.535
8. Sunderland 1.146
9. Leed 1.104
10. Tottenham 1.001 ngày (*)
(* tính đến ngày 20/10 khi Ngoại hạng Anh trở lại sau FIFA Days)