[ad_1]
Có thể đúng là Ten Hag có một kế hoạch như thế. Hay nói chính xác hơn thì ông phải có một kế hoạch như thế. Tầm vóc của Ten Hag chưa đủ – thực tế thì trên đời này không có HLV nào đủ tầm vóc – để loại bỏ một siêu sao như Ronaldo khỏi các kế hoạch của mình. Nhưng chúng ta biết rằng, chúng ta phải thừa nhận với nhau rằng, với Ten Hag, không có Ronaldo vẫn tốt hơn.
Đó là một thực tế. Ten Hag là HLV kiểu Ajax tiêu biểu. Đội bóng của ông được xây dựng xung quanh chiến thuật pressing cường độ cao ngay từ tuyến tiền đạo. Ronaldo, ngược lại, không phải mẫu tiền đạo thích pressing. Mùa trước, có thể vì thói quen, có thể vì tuổi tác, có thể vì nhiều yếu tố khác, Ronaldo là cầu thủ, không tính các trung vệ và thủ môn, có số lần gây áp lực lên đối thủ ít nhất trong năm giải đấu hàng đầu châu Âu.
HLV Ralf Rangnick từng nhận xét “Ronaldo không phải là một con quái vật pressing”. Đó là ông nói giảm nói tránh. Những nguồn tin thân cận khẳng định vị HLV người Đức chỉ mất 2 ngày để biết rằng ông không thể cho Man United chơi pressing cường độ cao với Ronaldo trong đội hình. Nhưng ông không thể loại Ronaldo (như đã nói, không HLV nào dám loại Ronaldo). Và chính tình trạng “dở ông dở thằng” đó đã đẩy Man United vào một trong những thời kỳ tồi tệ nhất trong lịch sử hiện đại của đội bóng.
Đúng là Ronaldo vẫn là một tiền đạo đẳng cấp. Mùa trước, dù chơi trong một tập thể bết bát, anh vẫn có được 18 pha lập công ở Premier League. Người đứng thứ hai trong danh sách chỉ có được 10 bàn. Khi có một cầu thủ như Ronaldo trong đội hình, đội bóng không tránh được cảnh bị phụ thuộc vào anh. Câu hỏi là, sự phụ thuộc ấy là tốt hay không tốt?
Người ủng hộ Ronaldo thì nói nếu không có Ronaldo, United có thể đã có một mùa giải tồi tệ hơn. Rất nhiều lần những màn tỏa sáng cá nhân của anh đã kéo đội khỏi “cửa tử”. Những người khác thì lại lập luận, nếu không vì Ronaldo, United đã không chơi tệ đến mức cần tới những bàn thắng giải cứu đó. Sự có mặt của Ronaldo khiến chất lượng trong lối chơi chung của United giảm xuống, họ không thể kiểm soát được trận đấu, và trở nên dễ bị bắt bài.
Tóm lại, Ronaldo mà ra đi, đó là một tin vui với Ten Hag. Khác với Rangnick, HLV người Hà Lan may mắn ở chỗ ông không phải là người muốn, hay thể hiện ý muốn, đẩy Ronaldo đi. Chính Ronaldo đòi làm điều đó. Giờ đây, có lẽ ông đang cầu nguyện để Ronaldo sớm tìm được một CLB mới. Việc Ronaldo ra đi đột ngột thế này rõ ràng khiến Ten Hag phần nào bị động, và United có nguy cơ “mồ côi” tiền đạo. Nhưng về lâu dài, cả Ten Hag lẫn United đều sẽ được hưởng lợi.