[ad_1]
Lần gần nhất City cho phép một cầu thủ chuyển tới một đội khác (không phải theo dạng tự do) trong Big 6 đã cách đây 10 năm. Mùa hè này, họ có thể phá lệ đến 2 lần, khi đang đàm phán với Chelsea về Raheem Sterling và Arsenal về Gabriel Jesus.
Sterling chắc chắn là ví dụ hàng đầu về việc tại sao các cầu thủ đang ở đỉnh cao phong độ của Big 6 chỉ có thể gia nhập lẫn nhau. Lý do dễ thấy nhất là vì mức lương quá cao mà nhóm này đặt ra, khác biệt hoàn toàn so với phần còn lại.
Kể cả so với các giải đấu nước ngoài, số đội có thể trả lương tương tự Man City, Chelsea, Man United, Arsenal và Tottenham là không nhiều.
PSG chắc chắn góp mặt. Bayern vừa thể hiện tiềm lực tài chính bằng thương vụ Sadio Mane. Juventus cũng vừa vung tiền đón Paul Pogba trở lại. Real Madrid thì vẫn luôn là một thế lực.
Nhưng thử hỏi đội nào trong số này không nhăn mặt khi nhìn vào mức lương 300.000 bảng/tuần, kèm 35 triệu bảng phí chuyển nhượng cho 1 năm hợp đồng còn lại của Sterling? Rõ ràng, chỉ có nhà giàu mới mua được đồ của nhà giàu.
Trong nhóm Big 6, Chelsea có vẻ là đội “thoáng” nhất từ trước tới nay. Nếu như Arsenal vẫn luôn đau khổ khi để mất Van Persie vào tay Man United, hay Adebayor về Man City, thì The Blues là đội đã thuyết phục Liverpool bán Fernando Torres, đẩy Petr Cech sang Arsenal, mua Veron từ MU và cho phép Juan Mata lẫn Matic ra đi theo hướng ngược lại.
Nói về chuyển nhượng “khôn ngoan” thì nhắc tới MU có vẻ không hợp lý. Nhưng đôi khi, Quỷ đỏ cũng có những nước đi để đời. Chỉ ít lâu sau khi từ chối bán Wayne Rooney cho Chelsea, Ed Woodward lại “đạo diễn” thương vụ mua Mata.
Phía Quỷ đỏ đã nhờ Juan Sr, cha của Mata, và Colin Pomford, một đại diện gốc Madrid, sắp xếp mọi thứ trong nhiều tháng. MU có được Mata với giá 37,1 triệu bảng từ Chelsea mà gần như không có cuộc gọi trực tiếp nào giữa 2 CLB.
Quay trở lại với thương vụ Sterling. Anh đã tốn rất nhiều giấy mực của báo chí khi nhất quyết rời Anfield để cập bến Etihad. Bây giờ, mọi thứ có vẻ đơn giản hơn.
Không hề giấu giếm, Sterling muốn gia nhập Real Madrid sau khi rời Man City. Trên thực tế, từ đầu năm 2020, đã có những đàm phán giữa 2 đội bóng về trường hợp của tiền đạo cánh người Anh. Dẫu vậy, nhiều thứ đã xảy ra và lúc này, Sterling lại ở gần Chelsea hơn.
Vẫn là Chelsea đánh tiếng với một ngôi sao khác của Big 6. Trong trường hợp Mo Salah chọn rời Liverpool ngay hè này, khi mà những bến đỗ ở La Liga đều khó khăn, thì Stamford Bridge lại luôn mở rộng cửa chào đón người cũ.
Tiền bạc, vị thế, Chelsea đều cung cấp đủ cho Sterling và Salah. Ở chiều ngược lại, rất nhiều ngôi sao của The Blues có thể nói lời chia tay, đơn cử như N’Golo Kante. MU đang thiếu trầm trọng tiền vệ trung tâm, vậy thì tại sao không?
Tính chất căng thẳng của cuộc đua vô địch, cuộc đua Top 4 vẫn như vậy, nhưng theo diễn biến của thời cuộc, việc chuyển nhượng cầu thủ trong lòng Big 6 đã trở nên dễ chấp nhận hơn nhiều. Người hâm mộ vì thế cũng phải học cách làm quen dần đi.
8 – Tính từ mùa 2012/13 tới bây giờ thì mùa 2017/18 có nhiều thương vụ giao dịch trong lòng Big 6 nhất. Tổng cộng, đã có tới 8 cầu thủ liên quan, bao gồm Alexis Sanchez, Henrikh Mkhitaryan, Willy Caballero, Dominic Solanke, Alex Oxlade-Chamberlain, Kyle Walker, Nemanja Matic và Olivier Giroud. |