[ad_1]
Ngẫm đi ngẫm lại, Ten Hag chỉ đơn giản trả lời một câu hỏi một cách trung thực và thẳng thắn khi được hỏi về lý do Sancho không góp mặt trong trận thua Arsenal. Chiến lược gia người Hà Lan nói “Sancho có màn thể hiện yếu kém trong buổi tập” – một nhận xét tưởng chừng hết sức bình thường của một ông thầy với học trò. Nhưng, dưới góc nhìn của Sancho, nó như một đụng chạm đến tự ái, để rồi trở thành giọt nước tràn ly khiến anh “quặc” lại Ten Hag trước truyền thông.
Giờ đây, hàng loạt câu hỏi được đặt ra: Liệu có hợp lý khi HLV chỉ trích một cá nhân để cả thiên hạ biết hay không? Mục đích là gì? Đó chỉ là sự thất vọng của cá nhân HLV, hay đằng sau đó còn động cơ gì khác. Nó có thực sự phát huy tác dụng không?
Sir Alex Ferguson nổi tiếng là không bao giờ chỉ trích các cầu thủ MU trước công chúng, bất chấp ông từng có nhiều lần làm vậy, thường là do những hành vi ngoài sân cỏ khiến cựu HLV huyền thoại không hài lòng: David Beckham nghỉ tập để chăm sóc con cái, Cristiano Ronaldo gây sức ép để gia nhập Real Madrid hồi năm 2009 hay những nỗ lực không ngừng nghỉ của Wayne Rooney nhằm tìm cách rời Old Trafford đầu năm 2010.
Dù vậy, ngay cả khi Sir Alex có chút linh hoạt với chính nguyên tắc của mình, vẫn có lý do rõ ràng, tại sao việc công khai chỉ trích một cầu thủ là điều không nên làm trong bóng đá. Về cơ bản, nó có thể hủy hoại mối quan hệ, không chỉ với cầu thủ đó mà còn cả phòng thay đồ nói chung. Lấy một ví dụ “khét” hơn cho vấn đề này. Khi Darren Bent bỏ lỡ một cơ hội ngon ăn trong trận đấu Tottenham gặp Portsmouth năm 2009, HLV Harry Redknapp tuyên bố: “Bà tôi cũng có thể ghi được bàn thắng đó”.
Tuy cả hai người đàn ông đều nói họ “buồn cười về câu nói này”, song rõ ràng nó có tác động đáng kể đến Bent. “Con người Harry là vậy, nhưng điều đó vẫn khiến tôi bực bội. Dù tôi biết ông ấy không có ý ác ý gì nhưng mọi người vẫn nói về điều ấy. Chính chúng ta ngồi đây đang nói về nó, về câu chuyện đã xảy ra hơn 10 năm trước”, cựu tiền đạo người Anh nói với tạp chí FourFourTwo năm 2021. Điều đáng nói, Bent đã lập cú đúp trong trận đấu tiếp theo. Vậy nên, bạn có thể lập luận rằng, đó đơn thuần là một chiến thuật tạo động lực thành công. Nhưng, Bent đã rời Spurs vào cuối mùa giải đó cùng tuyên bố “thời gian ở Tottenham là 2 năm tồi tệ nhất trong sự nghiệp của tôi”.
Redknapp sau đó thừa nhận, ông rất hối hận về cách xử lý vụ việc. Mark Viduka cũng rơi vào hoàn cảnh tương tự tại Leeds năm 2004. HLV lúc bấy giờ của Leeds là Peter Reid đã loại tiền đạo này khỏi một trận đấu quan trọng của Portsmouth và công khai lý do bất đồng trên sân tập. Viduka nói: “Là một HLV, một khi làm điều đó, bạn sẽ bắt đầu mất đi cầu thủ của mình. Khi cổ động viên, cả thiên hạ đều biết vụ việc, mọi thứ thật khó để cứu vãn. Chỉ trích trong phạm vi phòng thay đồ thì không sao”.
Dan Abrahams, một nhà tâm lý học thể thao, đã làm việc với rất nhiều cầu thủ gặp phải tình huống nhạy cảm này. Ông nói về một trường hợp cụ thể nhưng giấu tên: “Đó là sự suy giảm lòng tin. Chuyện này không làm giảm sự tự tin của cầu thủ, dù điều đó có thể xảy ra, nhưng nó đã ảnh hưởng đến mối quan hệ và sự tin tưởng mà họ có với HLV trưởng. Anh ấy hiểu HLV đang cố gắng làm gì, nhưng anh ấy không vui”.
Đối với một vài HLV, việc chỉ trích cầu thủ của họ trước bàn dân thiên hạ là việc xảy ra như cơm bữa. Jose Mourinho chẳng hạn. Lấy thí dụ Tanguy Ndombele, người có màn trình diễn tệ hại cho Tottenham trước Burnley trong trận đấu năm 2020, khiến Mourinho phải thốt lên: “Trong hiệp 1, chúng tôi không có một tiền vệ. Một cầu thủ có tiềm năng như cậu ấy phải cống hiến cho chúng tôi nhiều hơn”. Hay Mourinho từng nói về Luke Shaw năm 2017 rằng “có màn trình diễn tốt nhưng đó là cơ thể của cậu ấy, còn bộ não của tôi”.
Vậy tại sao các HLV làm điều đó? Mục đích là gì? “Đôi khi các nhà quản lý có thể sử dụng nó như một công cụ để khẳng định quyền lực”, Matt Upson – cựu hậu vệ của Arsenal – nêu quan điểm. Thường thì không có mục đích lớn thực sự nào cả. Đôi khi, nó còn đem đến tác dụng. Dẫn dắt Chelsea ở đầu mùa 2004/05, Mourinho đã chỉ trích Joe Cole ngay khi anh ghi bàn thắng quyết định vào lưới Liverpool. Ông nói: “Khi Cole ghi bàn, trận đấu đã khép lại với cậu ấy. Sau đó, chúng tôi cần 11 cầu thủ để phòng ngự nhưng hóa ra chỉ có 10. Tôi nghĩ Cole có hai bộ mặt, một rất đẹp đẽ, còn một thì tôi không thích. Cậu ấy phải giữ cái đầu và thay đổi cái còn lại”.
Cole đã trở thành một phần quan trọng của Chelsea vô địch Premier League mùa đó. Cựu tiền vệ này thổ lộ: “Những lời nói của Mourinho như khiến tôi bừng tỉnh. Mourinho liên tục thúc ép tôi, và lúc đó tôi đã tin tưởng vào hình ảnh mà ông ấy muốn. Tôi rất muốn làm hài lòng ông ấy, tôi thực sự sẽ làm bất cứ điều gì. Tôi nghĩ đó là thiên tài của Mourinho, ông ấy biết tôi cần gì”.
Là như vậy đó, “vạch mặt” học trò trước truyền thông cũng là một nghệ thuật, và Ten Hag chắc chắn còn phải học hỏi rất nhiều để được nhiều cầu thủ “xin chết” vì mình giống như Mourinho.