[ad_1]
Man City đang thống trị Premier League. Đây là mức thống trị chưa từng thấy kể từ khi MU làm điều tương tự từ năm 1996 đến 2001. Quyền bá chủ của Quỷ đỏ khi đó không hoàn toàn phụ thuộc vào việc sở hữu những cầu thủ giỏi và một HLV trưởng tuyệt vời. Họ cũng đi đầu trong các lĩnh vực ngoài sân cỏ, mở rộng sân Old Trafford vài năm một lần, xây dựng sân tập mới, đầu tư vào học viện trẻ và phát triển thương hiệu của CLB trên khắp hành tinh thông qua các nước đi thương mại sáng tạo.
Đây chính xác là những gì Man City đã làm trong một thập kỷ qua, nhưng có một điểm khác biệt: MU bứt lên các đối thủ của mình trong thời gian mà các CLB vẫn đang thích nghi với mức độ phổ biến mới của bóng đá nhờ Premier League. Trong khi đó, Man City đang bỏ xa những đối thủ của họ ở một thời đại mà môn thể thao vua chưa bao giờ cạnh tranh đến thế. Man City có lợi thế từ sự hậu thuẫn của tập đoàn Abu Dhabi United, song họ không phải CLB duy nhất trong lịch sử Ngoại hạng Anh gần đây có giới chủ giàu sụ.
Man City không chỉ đơn giản là ném tiền ra và rung đùi chờ thành công gõ cửa. Thay vào đó, họ đã cẩn thận xây dựng một kế hoạch thống trị toàn cầu, tuyển dụng những bộ óc tốt nhất, những cầu thủ giỏi nhất cũng như HLV xuất chúng nhất. Và Man City làm được điều đó mà không cần di sản lịch sử như Liverpool, Arsenal, MU và Chelsea – những CLB đã trở nên giàu có nhờ cơn sốt của Premier League vào các năm đầu. Thời điểm ấy, Man xanh đang phải vật lộn ở các giải đấu cấp thấp của bóng đá Anh, thậm chí là giải hạng ba. Trong thời đại mà các đội bóng là những tập đoàn đa quốc gia hiệu quả, Man City là CLB được điều hành tốt nhất ở giải đấu khắc nghiệt nhất thế giới. Đừng ghét Man City, bởi đơn giản là họ làm tốt hơn những đối thủ khác.
Giấc mơ của Soriano
Dù chức vô địch Premier League đầu tiên của Man City năm 2012 nhờ bàn thắng ở phút 90+4 của Sergio Aguero trước QPR, nền tảng thực sự cho sự thống trị hiện của của Man xanh đã được thiết lập chỉ vài tháng sau đó, khi họ mời Ferran Soriano làm giám đốc điều hành. Người đàn ông 55 tuổi này từng đảm nhận cương vị phó chủ tịch tài chính của Barca, giúp đại diện La Liga tăng gấp ba lần doanh thu từ năm 2003 đến 2008. Soriano từ chức ở Barca ngay trước khi Guardiola lên nắm quyền, bỏ lỡ vinh quang chói lọi của CLB. Tuy nhiên, ông được đánh giá cao vì tầm nhìn của mình.
Trong một bài giảng năm 2006 tại Đại học Birkbeck, Soriano nói rằng các CLB nên coi mình là tập đoàn đa quốc gia như Disney và trở thành thương hiệu toàn cầu. Ông đã có thể thể thực hiện giấc mơ đó tại Man City thông qua việc thành lập mạng lưới CLB rộng lớn của City Football Group trên khắp thế giới, từ Uruguay, Mỹ, Ấn Độ, Nhật Bản, Australia, Pháp, Bỉ, Tây Ban Nha cho đến Brazil. Ý tưởng đằng sau việc này được gọi là “toàn cầu hóa”, lấy một sản phẩm toàn cầu và điều chỉnh nó cho phù hợp với thị trường địa phương. Cùng với việc đạt được doanh thu thương mại, mạng lưới CLB của Man City cũng cho phép họ thực hiện các giao dịch chuyển nhượng rầm rộ. Dưới sự chỉ đạo của Soriano, Man City trở thành CLB có doanh thu cao nhất thế giới với 713 triệu euro, theo Detroit Money League.
Hành động đầu tiên của Soriano là chiêu mộ Txiki Begiristain – người đồng nghiệp cũ ở Barca – về làm giám đốc thể thao của Man City. Họ muốn hoàn thiện “đội hình” cũ ở Barca bằng cách thuê Guardiola ngay từ năm 2012 sau khi nhà cầm quân này rời Camp Nou. Tuy nhiên, khi Pep chọn tiếp quản Bayern năm 2013, Man City không hề lo lắng. Họ hẹn sẽ đợi ông hoàn thành công việc ở Munich. Đối với một CLB hàng đầu, 3 năm là khoảng thời gian dài để chờ đợi. Thế nhưng, thành công bền vững của Pep với Man City đã chứng minh ông đáng để chờ. Nhà cầm quân 52 tuổi cũng đã thực hiện một loạt đổi mới chiến thuật như chơi với các hậu vệ cánh đảo ngược hay thủ môn quét đã được sao chép khắp châu Âu.
Tuyển dụng thông minh
Ngay khi Pep được bổ nhiệm, Man City đã bắt đầu xây dựng một đội hình mà HLV cần để giúp CLB vận hành theo cách ông muốn. Một trong những động thái đầu tiên của Guardiola là “trảm” Joe Hart, thủ môn số 1 của Man City lẫn ĐT Anh lúc bấy giờ, vì chơi chơi kém. Man xanh đã chiêu mộ Claudio Bravo rồi sau đó là Ederson – thủ thành đã trở thành nhân tố quan trọng trong thành công của CLB nhiều năm qua.
Không chỉ chi tiêu hợp lý cho khâu tuyển dụng, Man City còn sớm nhận ra tầm quan trọng của việc phát triển cầu thủ trẻ. Họ đầu tư 200 triệu bảng xây dựng City Football Academy. Sân tập cũ của Man City gần với sân tập của MU tại Carrington, song sân tập hiện tại của họ – được hoàn thành năm 2014 – nằm ngay cạnh sân Etihad, giúp CLB nắm lợi thế về hậu cần và chiến lược. Khoản đầu tư đã được đền đáp xứng đáng cả về nguồn cung cầu thủ cho đội một lẫn tiền chuyển nhượng. Phil Foden, Cole Palmer và Rico Lewis đều đang có chỗ đứng nhất định ở Man City, trong khi họ cũng thu về số tiền không nhỏ từ việc bán những cầu thủ như Romeo Lavia, Jadon Sancho hay Brahim Diaz.