[ad_1]
Phút 50, từ một pha tấn công của Chelsea về phía khung thành của De Gea, bóng được các hậu vệ Manchester United phá ra, bay về Jorginho trong vai trò chốt chặn cuối cùng của Chelsea bên phần sân nhà. Pha khống chế bóng của tiền vệ người Ý đã biếu cho Manchester United bàn mở tỷ số. Nhưng phía sau bàn thắng ấy, liệu chỉ đơn thuần là sai lầm của Jorginho, hoặc không có công lao của Sancho?
Hãy nhớ lại pha bóng ấy, đó vốn là một pha phản công nhanh của MU sau khi họ đẩy được bóng ra khỏi tầm tấn công của Chelsea. Ngay lúc bóng bay về phía phần sân Chelsea, Sancho cùng Marcus Rashford đã lao tới như những mũi tên bật khỏi cánh cung. Ở đúng thời khắc khi bóng bật khỏi chân của Jorginho thì “vừa vặn” Sancho cũng chạm được đến trái bóng ấy. Và trong tư thế mặt đối mặt, anh không cho Mendy một cơ hội dù là nhỏ nhất.
Nhưng thử suy nghĩ theo hướng ngược lại, một người có phong cách bóng chuẩn mực như Jorginho lại phạm sai lầm sơ đẳng kiểu ấy? Khi ấy Jorginho ở trong một mặt trận có 9 cầu thủ áo xanh đang ở bên kia, và anh ở bên này cũng khoảng trống mênh mông. Tức là anh có 2 lựa chọn: chuyền về cho thủ môn, hoặc mượn đà để thiết lập lại mặt trận tấn công mới. Pha bóng ấy là pha bóng lỗi? Hay là Jorginho cố tình đẩy bóng ra xa để theo đà dồn lên? Có thể Jorginho đã chọn cách thứ hai, chứ không chọn cách chuyền về cho Mendy.
Đừng có đùa với cầu thủ chuyên nghiệp, đặc biệt là một mẫu tiền vệ đầu óc như Jorginho. Pha khống chế bóng ấy chưa chắc là pha bóng lỗi, nhưng nó đã thành pha bóng lỗi khi xuất hiện Sancho. Và ở đây, người viết muốn nói về cái hay của Sancho và MU trong bàn thắng đó.
Sai lầm của Jorginho là một chuyện, nhưng MU phải có tư tưởng pressing và tư tưởng lao tới gây sức ép ngay từng mét vuông cua sân cỏ, thì mới “ăn” được trái bóng ấy. Nếu MU đơn thuần chỉ là đội bóng chậm chạp, co cụm, và không có tư tưởng gây áp lực thì Jorginho sẽ được chuyển sang ca ngợi vì “tá lực đả lực” (mượn sức đánh sức), chứ không phải là khống chế bóng bật xa 2 mét (đừng có quên Jorginho là dân Brazil).
Michael Carrick vẫn ngồi trên băng ghế chỉ đạo, nhưng tinh thần của Ralf Rangnick đã bắt đầu len lỏi xung quanh. Cristiano Ronaldo ngồi ghế dự bị vì không phải là cầu thủ tích cực pressing, Nemanja Matic, Fred và Scott McTominay – bộ ba tiền vệ tích cực thoát pressing và vây ráp được chơi cùng nhau, và như phân tích ở trên về bàn thắng của Sancho, đó không phải là ngẫu nhiên nếu bạn biết tinh thần của Rangnick là “Phải luôn cố gắng giành bóng ở phần sân đối phương”.
Đương nhiên, chúng ta cũng phải nói một câu “an toàn” đấy là “Một trận hòa với Chelsea không có nhiều ý nghĩa”. Nhưng nếu đi sâu vào trong từng chi tiết, thì nó thật sự là ý nghĩa cho một đội bóng lạc lối về triết lý suốt bao nhiêu năm qua.