[ad_1]
Những tín hiệu cảnh báo xuất hiện từ lâu và hậu quả thì đã nhãn tiền. Các cầu thủ đang trở thành nạn nhân của cơn bão bóng đá hiện đại. Cảnh tượng Micky van de Ven đau đớn rời sân ở trận Totttenham vs Chelsea không còn là mới. “Đại dịch” mang tên “chấn thương gân kheo” cũng đã hành hạ Kevin De Bruyne, Gabriel Jesus, Casemiro, Ben Chilwell ở mùa giải này.
Những thống kê chỉ ra tỷ lệ chấn thương gân kheo đã tăng mạnh trong những năm gần đây. Một nghiên cứu của UEFA cho biết các ca chấn thương gân kheo đã tăng gấp đôi trong hai thập kỷ qua. Ngoài ra, 1/4 tổng số ca chấn thương là đến từ các nhóm cơ gân kheo.
Nguyên do chính dẫn tới tình trạng trên không có gì xa lạ. Các cầu thủ, HLV hay các chủ tịch CLB đã nhiều lần lên tiếng về nguy cơ quá tải. FIFPRO, liên đoàn các cầu thủ chuyên nghiệp, từng nhấn mạnh chính các cầu thủ có phong độ cao là những người gặp nhiều rủi ro nhất cả về thể chất lẫn tinh thần.
Nhưng tại sao chấn thương gân kheo lại bùng phát? Trước hết cần biết gân kheo trong y học thể thao là các nhóm cơ vùng sau đùi. Và chấn thương gân kheo xuất phát từ việc các nhóm cơ này bị căng giãn quá mức trong quá trình vận động, di chuyển.
Trong bóng đá ngày nay, các trận đấu ngày càng diễn ra với tốc độ và cường độ cao hơn. Các cầu thủ do đó thực hiện nhiều hơn những pha chạy nước rút, những cú bứt tốc bất ngờ. Tất cả các hành động này gây áp lực rất lớn lên các nhóm cơ sau đùi, khớp hông và đầu gối.
Lịch thi đấu càng dày, nguy cơ quá tải và chấn thương càng cao. Ngoài ra sự can thiệp của VAR cũng góp phần dẫn tới các chấn thương gân kheo. Ở trận Tottenham vs Chelsea cuối tuần trước, trung vệ Van de Ven của đội chủ nhà dính chấn thương không lâu sau khi trận đấu phải tạm dừng 7 phút để VAR vào cuộc. Việc cầu thủ phải tạm dừng thi đấu quá dài (lên đến 7 phút) khiến các nhóm cơ rơi vào trạng thái tạm nghỉ. Và khi trận đấu trở lại, nguy cơ chấn thương là rất cao khi cầu thủ lập tức phải chạy nước rút, phải bứt tốc hết cỡ do các nhóm cơ chưa sẵn sàng cho cường độ vận động mạnh.
Chưa thể đo lường tác động của VAR tới nguy cơ chấn thương, nhưng đó là một rủi ro khó phủ nhận. Giám đốc điều hành PFA, Maheta Molango, cho biết: “Những người có chuyên môn đều hiểu rằng những lần tạm dừng trận đấu kéo theo ảnh hưởng tiêu cực tới cầu thủ. Họ không còn được làm nóng và sau đó lại chạy nước rút ngay lập tức. Chấn thương từ đó mà ra”.
Một yếu tố khác dẫn tới chấn thương là thời gian bù giờ được kéo dài. Riêng trận Tottenham vs Chelsea đã dài hơn 21 phút so với thời lượng trung bình. Raphael Varane, người đã từ giã ĐT Pháp ở tuổi 29 vì không chịu nổi cường độ thi đấu dày đặc, từng bày tỏ lo lắng về sức khỏe cầu thủ: “Chúng tôi chỉ muốn có thể trạng tốt nhất trên sân để phục vụ cầu thủ. Nhưng tại sao ý kiến của chúng tôi không được ai lắng nghe”.
Việc kéo dài thời gian bù giờ, trên lý thuyết, nhằm tăng thời gian “bóng sống” qua đó giúp trận đấu hấp dẫn hơn. Nhưng hậu quả là các cầu thủ thì mệt mỏi hơn, ngã xuống sân nhiều hơn và chấn thương đương nhiên nhiều hơn.
Tin xấu cho các cầu thủ là mọi chuyện sẽ còn tệ hơn nữa. Từ mùa giải tới, Champions League sẽ có thêm vòng bảng bổ sung, FIFA sẽ ra mắt Club World Cup với 32 CLB vào năm 2025. FIFPRO cho biết một con số đáng sợ: những cầu thủ ưu tú thi đấu cho CLB và ĐTQG sẽ phải đá từ 80 tới 89 trận trong một mùa giải.
Chính lối chơi của các đội bóng cũng thách đố giới hạn chịu đựng của cơ thể cầu thủ. Trong bối cảnh trình độ chiến thuật của các đội đã xích lại gần nhau, bóng đá ngày càng nặng về cơ bắp, cường độ pressing và các pha đua sức. Sau khi bị đuổi 2 người, 8 cầu thủ Tottenham quây quần ở giữa sân để phòng vệ Chelsea. Và khi họ phải chạy lùi thì dễ dàng hiểu được nguy cơ chấn thương mô mềm sẽ tăng cao.
“Cường độ của bóng đá nam đỉnh cao đã tăng lên”, một bài báo đăng trên Tạp chí Y học thể thao Anh năm 2021 đã phân tích. “Các cầu thủ chuyên nghiệp giờ đây thực hiện nhiều hoạt động cường độ cao hơn trong mỗi trận đấu so với trước đây và họ cũng chạy nhanh hơn những bậc tiền bối”.
Một nghiên cứu đăng trên tạp chí BMJ Open Sport năm 2020 cho thấy, các CLB đang thiệt hại “trung bình 45 triệu bảng mỗi mùa giải do phong độ giảm sút vì chấn thương”. Nghiên cứu này còn chỉ ra “trung bình 136 ngày nghỉ thi đấu do chấn thương sẽ khiến CLB mất một điểm ở giải vô địch và 271 ngày nghỉ thi đấu vì chấn thương khiến đội đó mất một vị trí trên BXH”.
Rõ ràng, các cầu thủ ở Anh cần được nghỉ ngơi. Vào tháng 2 và tháng 3 năm nay, Premier League đã báo cáo có 299 ca chấn thương sau khi giải đấu được nối lại 10 ngày tính từ sau trận chung kết World Cup 2022. Để so sánh, Bundesliga tới cuối tháng 1/2023 mới lăn bóng trở lại. Số ca chấn thương trong cùng kỳ của 18 đội Bundesliga chỉ là 101 so với 299 của 20 đội tại Premier League.
Jude Bellingham từng có nhiều thời gian nghỉ ngơi khi còn chơi ở Dortmund. Nhưng thực tế chẳng thấm vào đâu. Tiền vệ 20 tuổi vẫn phải vắt sức tới giọt cuối cùng. FIFPRO đã lấy Bellingham làm ví dụ tiêu biểu về việc các cầu thủ trẻ đã phải thi đấu khủng khiếp thế nào. Trước khi bước sang tuổi 20, Bellingham đã chơi tổng cộng 14.445 phút ở đội một các CLB, gấp 3 lần so với Harry Kane ở cùng độ tuổi, gấp đôi so với Raheem Sterling và gấp 15 lần so với David Beckham.
Bóng đá có lẽ đang trở thành một trò chơi nguy hiểm với chính những cầu thủ xuất sắc nhất.