[ad_1]
Nghịch lý khó hiểu
Dorival Junior, tân HLV ĐT Brazil, đang đảm nhận công việc quản lý thứ 26 trong 22 năm qua. Và ông cũng không phải là một ngoại lệ. Người tiền nhiệm của Dorival ở Selecao là Fernando Diniz cũng đã dẫn dắt 17 CLB trong 13 mùa giải. Trước đó là Ramon Menezes với 11 đội bóng trong 10 năm. Ngay cả Tite, người đã dẫn dắt Brazil ở 2 kỳ World Cup và là HLV có thời gian phục vụ lâu nhất trong lịch sử ĐTQG (6 năm 3 tháng), cũng đã đảm nhiệm tới 17 công việc khác nhau trong 25 năm trước khi dẫn dắt Selecao.
Thông thường, các Liên đoàn thường chọn những HLV giỏi nhất hiện có để dẫn dắt ĐTQG của họ. Và các HLV giỏi thì thường ít thay đổi công việc của mình. Nhưng điều này lại không diễn ra ở Brazil. Các HLV thường xuyên được hoán đổi giữa các CLB như thể họ là nhân viên tạm thời.
Thời gian dài nhất của Dorival phụ trách một CLB là chưa đầy 2 năm, tại Santos, từ tháng 7/2015 đến tháng 6/2017. Ông tiếp quản vào giữa mùa giải, đưa CLB lên vị trí thứ 7. Santos đứng thứ 3 ở mùa giải năm sau và sau đó Dorival bị sa thải chỉ sau 4 trận đấu vào năm 2017. Đó là một trong 2 lần duy nhất mà ông có thể trụ được hơn 1 năm.
Điều này trái ngược với quan niệm bóng đá truyền thống ở châu Âu và hầu hết thế giới, nơi người ta cho rằng các HLV cần thời gian để xây dựng đội bóng, cải thiện cầu thủ và áp đặt triết lý của mình. Điều này cũng có tác động dây chuyền lớn: về cơ bản, các HLV người Brazil không được đánh giá cao ở các giải đấu lớn ở châu Âu, nơi tập trung phần lớn tiền bạc và sự chú ý.
Bạn có thể đếm trên đầu ngón tay số lượng HLV người Brazil đã từng làm việc ở 5 giải đấu hàng đầu châu Âu trong 2 thập kỷ qua. Và ngay cả những người này cũng không thực sự thành công.
Luiz Scolari thất bại ở Chelsea mùa 2008/09. Vanderlei Luxemburgo chỉ làm việc chưa đầy 12 tháng ở Real Madrid năm 2005. Ricardo Gomes không mấy ấn tượng khi dẫn dắt Bordeaux và Monaco. Leonardo không có nhiều dấu ấn dù từng huấn luyện cả Inter Milan và AC Milan từ năm 2009 đến 2011. Còn Thiago Motta chỉ mới bắt đầu ghi dấu ấn cùng Bologna ở Serie A.
Một số trường hợp trong số này kiếm được công việc ở châu Âu nhờ những điều kiện đặc biệt. Scolari phải vô địch World Cup 2002 cùng ĐT Brazil thì mới thu hút sự quan tâm của các đội châu Âu. Đầu tiên, ông được LĐBĐ Bồ Đào Nha mời về, và sau đó là Chelsea. Leonardo chỉ làm công tác huấn luyện trong 2 năm trước khi trở thành GĐĐH. Motta chuyển đến Barcelona khi anh 17 tuổi, có một sự nghiệp lâu dài và thành công ở Tây Ban Nha, Italia và Pháp, chơi cho ĐT Italia và lấy được giấy phép huấn luyện ở châu Âu.
Vì sao lại thế?
Nhìn bề ngoài, điều này không có ý nghĩa gì vì Brazil là cái nôi của bóng đá. Tất nhiên, các quốc gia khác có thể khẳng định có truyền thống tương tự và tình yêu dành cho môn thể thao này, nhưng quy mô dân số khổng lồ khiến Brazil tạo ra sự khác biệt. Với dân số lên tới hơn 200 triệu người, Brazil có nhiều người hơn Đức, Argentina, Italia và Uruguay cộng lại. Đây là chỉ tính một vài trong số những quốc gia từng vô địch World Cup.
Không có gì đáng ngạc nhiên khi Brazil sản sinh ra một lượng cầu thủ khổng lồ, hầu hết đều được xuất khẩu ra nước ngoài. Nghiên cứu của ESPN cho thấy trong số 14.405 cầu thủ chơi bóng bên ngoài quốc gia của họ ở 135 giải đấu trên khắp thế giới, có 1.289 cầu thủ đến từ Brazil. Tỷ lệ đó là 1/11, nhiều hơn bất kỳ quốc gia nào trên thế giới.
Do đó, người ta có thể cho rằng một quốc gia sản sinh ra nhiều tài năng trên sân cỏ, với rất nhiều truyền thống và bí quyết đằng sau họ, cũng sẽ xuất sắc trong việc đào tạo ra những HLV hàng đầu. Nhưng điều này là hoàn toàn sai lầm.
Vậy chúng ta có thể giải thích điều này như thế nào? ESPN đã có cuộc trò chuyện với rất nhiều nhà báo, giám đốc điều hành, người đại diện và HLV từng làm việc ở Brazil và rút ra một thực tế rằng bóng đá Brazil là một thế giới khác không chỉ so với châu Âu mà còn với phần lớn các quốc gia Nam Mỹ khác.
Sau đó, ESPN rút ra được 10 lý do để giải thích cho hiện tượng này gồm:
1. Về mặt cấu trúc, các CLB Brazil có tâm lý “thuê và sa thải” ngắn hạn, bị ám ảnh bởi kết quả.
2. Không có lý do thực sự nào để sa thải HLV.
3. Thiếu sự đảm bảo về công việc dẫn tới việc không có động lực thực sự để HLV xây dựng, chấp nhận rủi ro và có tầm nhìn dài hạn.
4. Việc Brazil là nước xuất khẩu tài năng lớn khiến các HLV gặp khó khăn hơn nhiều trong việc xây dựng đội bóng.
5. Brazil có hệ thống phân cấp bóng đá hoàn toàn khác.
6. Rời Brazil nói chung đồng nghĩa với việc lùi một bước lớn về mặt uy tín.
7. Giấy phép huấn luyện của Brazil không được châu Âu công nhận.
8. Rào cản ngôn ngữ.
9. Phân biệt chủng tộc.
10. Châu Âu không khuyến khích các HLV từ nơi khác.