[ad_1]
Từng là sân chơi đậm chất “vùng miền”
Với việc HLV người Tây Ban Nha Iraola vừa được Bournemouth mời về thay thế cho đồng nghiệp người Anh O’Neil, sân chơi dành cho các vị chiến lược gia bản địa lại bị thu hẹp đi một chút. Đây là thực tế rất khác so với giai đoạn Premier League mới đi vào hoạt động.
Còn nhớ ở mùa giải Premier League đầu tiên (1992/93), các đội bóng đều chỉ được dẫn dắt bởi các HLV thuộc Vương quốc Anh (Anh, Scotland, Bắc Ireland và xứ Wales). Hai mùa sau giải Ngoại hạng Anh có thêm một chút gia vị Argentina (Osvaldo Ardiles), nhưng đến mùa mùa giải 1995/96 giải đấu lại một lần nữa còn toàn “cây nhà lá vườn” nắm quyền chỉ đạo các đội bóng.
Ở mùa giải đó giải Ngoại hạng Anh không còn HLV người Xứ Wales nào, trong khi tỷ lệ HLV người Anh hoàn toàn áp đảo khi chiếm tới 85,72%. Còn lại là 9,52% HLV người Scotland và 4,75% HLV người CH Ireland.
Với tính “vùng miền” cao như thế, Premier League cách đây 3 thập kỷ không có được sự đa dạng như bây giờ. Khi tham gia các trận đấu, cầu thủ chỉ chủ yếu sút và chạy chứ ít có những pha cầm bóng và phối hợp biến hóa làm nức lòng khán giả.
Người Tây Ban Nha xâm chiếm
Trước khi HLV Iraola đến với Bournemouth, HLV người Tây Ban Nha đầu tiên tới giải Ngoại hạng Anh làm việc là Rafael Benitez (dẫn dắt Liverpool từ mùa 2004/05). Kể từ đó tới nay, luôn có ít nhất một HLV Tây Ban Nha làm việc ở Premier League trong mỗi mùa giải.
Đến mùa vừa rồi, có tới 7 đồng hương của HLV Iraola và Benitez đã tranh tài ở sân chơi số 1 xứ sở sương mù. Chưa bao giờ, người Tây Ban Nha có nhiều đất diễn đến thế ở Premier League.
Theo thống kê, tỷ lệ HLV Tây Ban Nha có mặt ở giải Ngoại hạng Anh 2022/23 lên tới 25%. Con số này còn cao hơn cả tỷ lệ HLV quốc nội (chỉ 20%). Trong suốt chiều dài lịch sử Premier League, đây mới là mùa đầu tiên các HLV thuộc vương quốc Anh làm việc ở Premier League để cho các đồng nghiệp Tây Ban Nha lấn lướt về măt số lượng.
Về mặt chất lượng, không phải HLV Tây Ban Nha nào cũng gặt hái được thành công trên đất Anh. Trong danh sách những kẻ thất bại, có thể kể ra đây vài cái tên như Javi Gracia (chỉ dẫn dắt Leeds trong vài tháng), Juande Ramos (Tottenham), Pepe Mel (West Brom) hay Xisco Munoz (Watford).
Ở chiều ngược lại, các HLV như Pep Guardiola, Mikel Arteta và Unai Emery lại đang là tài sản quý của Man City, Arsenal và Aston Villa. Mùa vừa rồi, HLV Guardiola vừa cùng Man City giành “cú ăn ba” lịch sử. Về phần mình, HLV Arteta giúp Arsenal giành ngôi á quân Premier League. Trong khi đó, Aston Villa của HLV Emery mới có mùa giải giành được nhiều chiến thắng nhất tại Premier League (18).
Giải đấu đa văn hóa
Trở lại với HLV Bentiez, khi đến với Liverpool ông đã góp phần tạo ra hiệu ứng mang tính bước ngoặt ở giải Ngoại hạng Anh. Thật vậy, 2004/05 chính là mùa giải đầu tiên chứng kiến Premier League có số HLV tới từ 10 quốc gia trở lên. “Nhập cư” cùng đợt với HLV Bentinez còn có Jose Mourinho (Chelsea), Martin Jol (Tottenham) và Velimir Zajec (Portsmouth).
Nếu như HLV Martin Jol mang hương vị Hà Lan quay trở lại với Premier League thì trước thời HLV Velimir Zajec, chưa có nhà cầm quân người Croatia nào từng sang giải Ngoại hạng Anh làm việc.
Có một chi tiết đáng chú ý là kể từ lúc HLV Arsene Wenger nắm quyền ở Arsenal mùa 1996-97, các HLV người Pháp như ông đã ghi dấu ấn khá đậm nét ở Premier League.
Sự hiện diện của Giáo sư đã mở ra giai đoạn suốt 22 năm giải Ngoại hạng Anh luôn có HLV người Pháp làm việc. Sau khi HLV Wenger sắm vai trò tiên phong trào lưu khai phá Premier League, đã có 7 đồng hương theo chân ông sang Anh. Trong số này có những người nổi danh như Gerard Houllier (dẫn dắt Liverpool và Aston Villa), nhưng nhìn chung trừ HLV Wenger ra không có HLV người Pháp nào gặt hái được thành công ở Premier League.
Mùa giải trước, ngay cả cựu danh thủ Patrick Vieira cũng chỉ trụ lại được Crystal Palace tới tháng 3 trước khi bị sa thải. HLV Vieira bị đẩy ra đường cũng đồng nghĩa với việc Premier League sắp có mùa giải thứ 3 vắng bóng các chiến lược gia người Pháp kể từ khi HLV Wenger chia tay Arsenal năm 2018.
Dù dấu ấn của HLV người Pháp ở Premier League đang nhạt dần, song không vì thế giải đấu này mất đi tính đa dạng. Ngược lại, quá trình “toàn cầu hóa” còn ngày càng mạnh mẽ hơn. Bằng chứng là mùa giải trước có tới 14 HLV đến từ các quốc gia khác nhau tranh tài tại đây.
Trong lịch sử Premier League, chỉ có đúng 2 mùa 2018/19 (15) và 2014/15 (16) có nhiều HLV mang quốc tịch khác nhau làm việc ở Anh hơn thế. Du hướng “toàn cầu hóa” ở Premier League sẽ còn tiếp diễn ở mùa giải tới khi HLV Ange Postecoglou đã nhận lời dẫn dắt Tottenham. Ông chính là HLV người Australia được trải nghiệm bầu không khí ở Premier League.
Sẽ lập kỷ lục về số lượng HLV
Giải Ngoại hạng Anh mùa trước đã chứng kiến việc có tới 39 HLV tranh tài với nhau ở sân chơi này. Quá trình cạnh tranh là cực kỳ khốc liệt khi cuối cùng chỉ có 9 HLV trụ được từ vòng đầu đến vòng cuối. Trong số 9 người này chỉ có duy nhất HLV Eddie Howe của Newcastle là mang quốc tịch Anh. Tính trung bình, mỗi HLV người Anh chỉ được cầm quân trung bình 13 trận ở Premier League 2022/23.