[ad_1]
Còn một điểm chung đáng chú ý nữa: họ đều là tiền vệ trung tâm khi còn thi đấu. Đấy là vai trò không đổi, khi họ chủ yếu gắn bó với CLB lớn duy nhất trong sự nghiệp – Barcelona hoặc Juventus. Cả hai đều không bao giờ là tiền vệ “số 10” – vai trò danh giá nhất trên sân bóng trong thế hệ của họ.
Conte là “ngựa kéo”, không phải “ngựa chiến”. Ông thuộc mẫu tiền vệ cần cù, sẵn sàng làm hết mọi việc thuộc về “vai phụ” ở khu giữa sân, với tần suất hoạt động không ngừng nghỉ, kiểu N’Golo Kante. Khán giả với cặp mắt thưởng thức thuần túy thường không lưu ý Conte.
Nếu như trận đấu khép lại mà chẳng có pha bóng, sự kiện, tình huống đáng nhớ nào ở khu giữa sân, nếu như chẳng ai hỏi khi trận đấu kết thúc, rằng cầu thủ nào đá ở vị trí ấy, thì đấy sẽ là trận đấu… thành công của Conte! Từ thuở xa xưa, đấy đã là bài học lớn của bóng đá đỉnh cao.
Chẳng có gì để nhớ về Bobby Charlton (Anh) và Franz Beckenbauer (Đức), khi trận chung kết World Cup 1966 khép lại. Sau đó, giới chuyên môn mới “phát hiện” Charlton và Beckenbauer… vĩ đại như thế nào, ngay trong trận ấy. Họ đều đá ở khu giữa sân và họ đều chơi kín kẽ đến mức không ai có sai sót nhỏ nào, dẫn đến hệ quả là cả hai cứ như không hề tồn tại. Tầm quan trọng của vị trí khiêm tốn nhất trong môn bóng đá bắt đầu lan tỏa khắp thế giới bóng đá, kể từ đó.
Guardiola khác hẳn Conte ở chỗ: tuy cũng là tiền vệ trụ, nhưng ông lo việc “tổ chức” hơn là “dọn dẹp”. Ông châm ngòi, tức khởi đầu pha tấn công ngay từ sân nhà; trong khi Conte đánh chặn, tức chấm dứt pha tấn công của đối phương từ xa. Khi huấn luyện, Conte nhìn thấy chính mình trong cách chơi của Kante (ở Chelsea) hoặc Pierre-Emile Hojbjerg ở Tottenham hiện thời. Guardiola lại thể hiện mình qua vai trò của Sergio Busquets, Fernandinho hoặc Rodri.
HLV giỏi không nhất thiết phải xuất thân là hảo thủ, cũng không nhất thiết phải khư khư ôm lấy “nhãn hiệu” của mình khi còn chơi bóng. Nhưng một HLV giỏi mà xuất thân là hảo thủ, biết cách phát huy vai trò và kinh nghiệm chơi bóng thực tiễn của mình, thì càng thú vị.
Những HLV như Conte hoặc Guardiola, khi đã thành công, thì điều chắc chắn là sẽ có nét riêng đặc sắc đi kèm với thành công ấy, giống như một tay chơi sành sõi luôn có cái sướng riêng khi tự tay hoàn thiện tác phẩm của mình, thay vì bỏ tiền mua để lấy tác phẩm tuyệt vời ấy.
Cái cách mà Tottenham “dọn dẹp” mọi chuyện trong phòng thủ, để giúp các hảo thủ trên hàng công tỏa sáng khi có cơ hội, là cách đá phản ánh chính Conte ngày xưa. Cái cách mà Man City tấn công ngay từ vị trí tiền vệ trung tâm, cách tiền vệ Man City tổ chức hơn là ngăn chặn, cũng phản ánh Guardiola ngày xưa vậy.